Bài viết được chia sẻ từ ThS.BS.CKII Nguyễn Trương Khương - Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn
Anh Nguyễn Hữu V., 35 tuổi, nhân viên văn phòng, nhà quận 10 (TP.HCM), đi khám tai mũi họng vì đau họng 2 ngày. Sau khi thăm khám, anh được bác sĩ chẩn đoán viêm họng do trào ngược dịch vị từ dạ dày. Anh rất ngạc nhiên và thắc mắc vì mình không hề có triệu chứng về dạ dày. Mặc dù bác sĩ giải thích, anh vẫn hồ nghi nên "nhờ" ChatGPT kiểm tra lại thông tin cũng như cách điều trị.
Vậy ChatGPT có thể thay thế được bác sĩ hay không?
ChatGPT là một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, có thể hiểu như một thư viện khổng lồ nhưng có thể trò chuyện bằng cách trả lời câu hỏi của người dùng.
Với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, ChatGPT có thể hiểu và trả lời câu hỏi của người dùng bằng ngôn ngữ đơn giản, giúp mọi người hiểu thuật ngữ y tế và khái niệm sức khỏe dễ dàng hơn.
Về mặt chẩn đoán, ChatGPT có thể giúp người bệnh xác định các nguyên nhân của một triệu chứng và đồng thời đưa ra lời khuyên rất hữu ích.
Ví dụ: Khi người dùng hỏi ChatGPT về các nguyên nhân của triệu chứng chảy mũi sau, ChatGPT sẽ cung cấp đủ các nguyên nhân có thể của triệu chứng này như: dị ứng, viêm xoang, nhiễm trùng, trào ngược, bất thường cấu trúc và một số loại thuốc. Đồng thời khuyên người bệnh nên đi khám, gặp trực tiếp bác sĩ để có chẩn đoán cụ thể.
Một ví dụ khác, khi người dùng hỏi làm sao để chẩn đoán được ung thư vòm mũi họng, ChatGPT cung cấp đầy đủ các bước, từ khám cổ để phát hiện khối u hoặc hạch cổ, sau đó nội soi vòm mũi họng để tìm tổn thương nghi ngờ. Nó cũng nhấn mạnh sinh thiết tổn thương nghi ngờ là chẩn đoán xác định cho bệnh lý này.
Chat GPT cũng đề nghị nếu có những triệu chứng nghi ngờ kéo dài nên gặp bác sĩ để thăm khám kịp thời...
Việc xác định đúng các nguyên nhân của triệu chứng không đồng nghĩa với việc chẩn đoán chính xác được bệnh, ChatGPT giúp người dùng có thêm kiến thức hơn là khẳng định cho chẩn đoán. Việc chẩn đoán sau cùng vẫn phải cần sự cân đo đong đếm của bác sĩ dựa trên thông tin đó kết hợp với những yếu tố riêng biệt của từng người bệnh.
Khi người dùng hỏi "tôi bị đau họng 3 ngày, có kèm theo ho, sốt và chảy mũi, tôi nên sử dụng kháng sinh không?", Chat GPT sẽ lập tức phân tích: Đây là triệu chứng của viêm đường hô hấp trên.
Nó giải thích thêm: nguyên nhân chủ yếu do vi rút, thông thường chỉ cần sử dụng những loại thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm ho, giảm sổ mũi bệnh sẽ tự khỏi. Không nên sử dụng kháng sinh do sẽ không có tác dụng và lại làm gia tăng vấn đề kháng thuốc kháng sinh, dễ gây dị ứng và lãng phí khi sử dụng không đúng.
Tuy nhiên, ChatGPT cũng phân tích có một số trường hợp do nhiễm khuẩn, cần phải gặp bác sĩ để khám, xét nghiệm thêm để chẩn đoán chính xác và sử dụng kháng sinh phù hợp.
Một ví dụ khác, khi đặt câu hỏi bị viêm xoang mạn tính lâu năm có cần phẫu thuật hay không, ChatGPT cung cấp tổng quan về các phương pháp điều trị viêm xoang mạn tính như sử dụng kháng sinh, thuốc xịt mũi, rửa mũi, tránh xa không khí ô nhiễm và các yếu tố khởi phát.
ChatGPT cũng nêu rõ chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa tích cực thất bại, phẫu thuật sẽ làm những gì như cắt polyp, chỉnh sửa những cấu trúc bất thường, cũng như các yếu tố cần cân nhắc khi đưa ra quyết định phẫu thuật như mức độ nặng của bệnh, tình trạng sức khỏe toàn thân, các bệnh lý đi kèm. Và nó khuyên người bệnh nên bàn bạc với bác sĩ để tìm kiếm giải pháp tốt nhất.
Khi hỏi về những biến chứng có thể có của phẫu thuật xoang, ChatGPT cũng liệt kê theo thứ tự những biến chứng thường gặp đến ít gặp như chảy máu, nhiễm trùng, nghẹt mũi, mất mùi, tổn thương ổ mắt, tổn thương sàn sọ và sẹo dính.
Có thể thấy, để biết thêm thông tin về điều trị và những vấn đề xung quanh điều trị mà bác sĩ và người bệnh chưa thể trao đổi hết, thì ChatGPT là người bạn khá tin cậy để tâm sự và thu thập thông tin.
Về mặt phòng bệnh, ChatGPT có thể cung cấp thông tin rất đầy đủ, rất hữu ích cho người bệnh, hỗ trợ cho người bệnh cũng như bác sĩ khi muốn hệ thống lại thông tin hỗ trợ người bệnh.
Ví dụ: Người bệnh thường bị nhức đầu trong quá khứ, làm thế nào để phòng ngừa nhức đầu trong tương lai? ChatGPT khuyên: quản lý tốt stress, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, tránh các yếu tố kích thích, tập thể dục đều đặn, làm việc đúng tư thế và sử dụng thuốc theo lời khuyên của bác sĩ.
Một câu hỏi khác như làm thế nào để phòng ngừa cao huyết áp, ChatGPT khuyên nên kiểm soát cân nặng, ăn kiêng, tập thể dục đều, cữ rượu bia thuốc lá, quản lý stress, đo huyết áp thường xuyên, và sau cùng là sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
ChatGPT cũng góp phần giải quyết những nỗi lo, những thắc mắc và những thông tin người bệnh chưa rõ. Chẳng hạn như khi hỏi "trào ngược họng thanh quản có thể dẫn đến ung thư không?", ChatGPT trả lời rõ: Trào ngược họng thanh quản có thể dẫn đến ung thư họng và thanh quản, với một tỉ lệ thấp, cũng còn phụ thuộc và nhiều yếu tố khác như di truyền, môi trường, mức độ sử dụng rượu bia.
Chat GPT cũng nhắc nhở cần điều chỉnh "ăn ở" để ngừa bệnh và nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và sử dụng thuốc phù hợp. Điều này có thể giúp bệnh nhân đưa ra quyết định sáng suốt về sức khỏe của họ và thực hiện các bước chủ động để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, ChatGPT có thể hỗ trợ điều trị bệnh bằng cách cung cấp hướng dẫn về cách sử dụng thuốc, tác dụng phụ và tương tác. Nó cũng có thể trả lời cho người bệnh nên uống một loại thuốc nào đó thời gian nào trong ngày để có hiệu quả cao nhất.
Có thể nói ChatGPT là một công cụ AI hữu ích. Nó có thể trò chuyện sinh động để cung cấp thông tin chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ hỗ trợ cho người bệnh, hỗ trợ cho bác sĩ trong việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh.
Không có công cụ nào thay thế được bác sĩ
|
Tuy nhiên, ChatGPT là một phương thức giao tiếp ngôn ngữ của AI, nó không chịu trách nhiệm pháp lý hay đưa ra khuyến cáo bắt buộc. Chính vì thế ChatGPT không thể thay thế bác sĩ trong việc đưa ra những quyết định quan trọng trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
|
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn