HOTLINE

Sốt xuất huyết - Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết Dengue thường được gọi là sốt xuất huyết, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi chích. Sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà đối với bệnh nhẹ, trong một số trường hợp bệnh sốt xuất huyết trở nặng thì cần nhập viện để điều trị. 

 

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến khó lường từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

 

 

Dấu hiệu cửa sốt xuất huyết Dengue cần nhập viện:

BS.CKI Nguyễn Lâm Vĩnh Phúc - Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: khi mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, sẽ có những trường hợp sau vài ngày sốt cao liên tục 39 - 40 độ C thì hết sốt, hồi phục dần, nhưng cũng có những trường hợp bệnh diễn tiến nặng hơn và có nguy cơ tử vong nếu không xử lý kịp thời. Trong trường hợp điều trị sốt xuất huyết Dengue tại nhà, cần theo dõi các dấu hiệu cảnh báo ngay cả khi đã hết sốt.

 


Muỗi là tác nhân lây truyền bệnh từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi chích

 

Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue: 

Sốt xuất huyết Dengue có diễn tiến rất khó lường và hiện tại chưa có thuốc điều trị hay vắc xin để phòng bệnh. Trong giai đoạn nguy hiểm, bệnh có thể có các biểu hiện:

  • Đau bụng nhiều.
  • Vật vã, lừ đừ, li bì.
  • Đau vùng hạ sườn phải (do gan to)
  • Nôn ói.
  • Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt, li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹp hoặc tụt.
  • Xuất huyết dưới da biểu hiện bằng nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím, xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc tiêu ra máu, xuất huyết âm đạo.
  • Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như suy gan, thận, tim, phổi, rối loạn tri giác (sốt xuất huyết Dengue thể não), viêm cơ tim.

Người bệnh cần được theo dõi sát sao và đưa đến cơ sở y tế kịp thời khi có dấu hiệu nặng.

 

Chú ý khi sốt cao liên tục 39 - 40 độ C

 

Các trường hợp sốt xuất huyết Dengue cần nhập viện theo dõi điều trị: 

Ngoài ra, BS.CKI Nguyễn Lâm Vĩnh Phúc cũng đưa ra một số lưu ý với các trường hợp đặc biệt cần chỉ định nhập viện theo dõi điều trị khi bị sốt xuất huyết Dengue như: 

  • Sống một mình.
  • Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
  • Gia đình không có khả năng theo dõi thường xuyên.
  • Trẻ nhũ nhi.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Phụ nữ có thai.
  • Người lớn tuổi (≥60 tuổi).
  • Có bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu).

Phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue

  • Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

  • Để phòng chống muỗi đốt, chúng ta cần:

  • Mặc quần áo dài tay.

  • Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày.

  • Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

  • Tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế (ngay khi vắc xin sẵn có).

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3