HOTLINE

ĐIỀU TRỊ NGÁY VÀ NGƯNG THỞ KHI NGỦ

Ngáy và ngưng thở khi ngủ là tình trạng phổ biến gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe. Tuy nhiên, bản thân người bệnh thường không biết mình mắc hội chứng này. Vậy ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ là gì và có chữa được không? Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về vấn đề này.

 

Ngáy là gì?

Ngáy là âm thanh phát ra từ cổ họng khi chúng ta ngủ do các mô mềm ở đường thở trên bao gồm: vòm họng, lưỡi gà, amidan và đáy lưỡi rung động tạo ra. Khi luồng không khí đi qua đường thở bị hẹp, các mô này sẽ rung động mạnh hơn, tạo ra tiếng ngáy. Tiếng ngáy có thể nhẹ hay mạnh, liên tục hoặc ngắt quãng. Tình trạng ngáy thường gắn liền với ngưng thở khi ngủ, một bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng giấc ngủ. 

 

Nguyên nhân gây ngủ ngáy có thể do nhiều yếu tố như béo phì, cấu trúc giải phẫu của đường hô hấp, hoặc các vấn đề về sức khỏe như viêm mũi dị ứng và viêm amidan. Người bị ngáy thường ngủ không sâu, dễ bị thức giấc và tiếng ngáy thường gây khó chịu cho người ngủ bên cạnh.

 

Ngáy là âm thanh phát ra từ cổ họng khi chúng ta ngủ do các mô mềm ở đường thở rung động tạo ra

 

Ngáy và ngưng thở khi ngủ được gọi là bệnh lý khi tình trạng ngưng thở khi ngủ kéo dài hơn 10s và lặp đi lặp lại nhiều hơn 5 lần trong 1 giờ. Tình trạng này thường gây ra sự gián đoạn trong chu kỳ giấc ngủ và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tim mạch, đột quỵ. 

 

Đường thở tắc nghẽn là nguyên nhân phổ biến gây ngáy và ngưng thở khi ngủ

 

Nguyên nhân gây ngủ ngáy rất đa dạng, bao gồm:

Tắc nghẽn đường thở: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Tình trạng này có thể do Amidan phì đại, VA phì đại (VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng), dài lưỡi gà, phì đại đáy lưỡi, vẹo vách ngăn mũi, polyp mũi… 

Cấu trúc đường thở hẹpMột số người có cấu trúc giải phẫu đường thở hẹp bẩm sinh, bất thường sọ mặt khiến họ dễ bị ngủ ngáy hơn.

Thừa cân, béo phì: Mỡ thừa tích tụ ở vùng cổ có thể chèn ép đường thở, gây ngáy. Nếu tăng 10% cân nặng thì chỉ số ngưng, giảm thở tăng 30%

Sử dụng chất kích thích: Rượu bia, thuốc an thần làm giãn cơ cổ họng, tăng nguy cơ ngáy.

Tư thế ngủNằm ngửa khi ngủ khiến lưỡi dễ tụt về phía sau, gây tắc nghẽn đường thở.

Tuổi tác: Khi lớn tuổi, các cơ ở cổ họng trở nên yếu đi, dễ bị rung động hơn. Đặc biệt bệnh thường gặp ở người trung niên ngoài 40 tuổi. 

Giới tính: Nam giới có tỷ lệ bị ngưng thở khi ngủ cao hơn nữ giới.

 

Ngủ ngáy có chữa được không?

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả như thay đổi lối sống, một số biện pháp tại nhà và các can thiệp y khoa để giảm hoặc loại bỏ tiếng ngáy.

 

Cách trị ngủ ngáy hiệu quả ngay tại nhà

Đối với các trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng ngáy và ngưng thở khi ngủ, bao gồm:

1. Thay đổi tư thế khi ngủ

Nằm ngửa khi ngủ khiến lưỡi và vòm miệng mềm dễ tụt xuống phía sau, chặn đường thở và gây ra tiếng ngáy. Vì vậy, người bệnh nên ngủ ở tư thế nằm nghiêng, tư thế này giúp mở rộng đường thở, giảm áp lực lên đường thở, từ đó hạn chế tắc nghẽn khí và âm thanh ngáy phát ra. Để duy trì tư thế nằm nghiêng, người bệnh có thể sử dụng gối chống ngáy là loại được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ đầu và cổ, giữ cho đường thở thông thoáng.

2. Tránh ăn quá no

Ăn quá no, đặc biệt cử ăn tối làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày và trào ngược họng thanh quản. Tình trạng trào ngược kéo dài có thể dẫn đến viêm họng mạn tính, làm tăng nguy cơ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Một số lời khuyên để giảm vấn đề trào ngược họng thanh quản: 

  • Nên ăn tối ít nhất 2-3 giờ trước khi đi ngủ.
  • Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu và tránh các thực phẩm chứa nhiều chất béo như sữa đặc và kem.
  • Không ăn quá no vào buổi tối, ăn xong không đi nằm liền.
  • Không uống quá nhiều nước ngay sau bữa ăn.

3. Thực hiện bài tập cho lưỡi  và cơ vùng hầu họng

Các bài tập lưỡi giúp tăng cường sức mạnh cơ lưỡi và vòm miệng, ngăn ngừa tình trạng lưỡi tụt xuống phía sau, hạn chế ngáy ngủ. Một số bài tập đơn giản bao gồm đẩy lưỡi, trượt lưỡi và các động tác khác giúp cải thiện tình trạng ngáy ngủ. Nên thực hiện những bài tập này hàng ngày để đạt hiệu quả tối ưu. Ngoài ra tập thổi kèn saxophone cũng giúp tăng trương lực các cơ vùng hầu họng. 

Một số cách thực hiện như sau: 

  • Bài tập đẩy lưỡi: Dùng đầu lưỡi ấn mạnh vào vòm miệng cứng trong 3 giây, lặp lại 10-15 lần.
  • Bài tập trượt lưỡi: Mở miệng rộng, trượt đầu lưỡi dọc theo mặt sau răng cửa trên xuống dưới, lặp lại 10-15 lần.

4. Tạo độ ẩm không khí phòng ngủ

Giữ ẩm không khí trong phòng ngủ bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc đặt chậu nước ấm trong phòng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng khô họng, từ đó giảm bớt nguy cơ viêm họng. Môi trường đủ ẩm sẽ hỗ trợ quá trình hô hấp và giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn. 

Môi trường đủ ẩm sẽ hỗ trợ quá trình hô hấp và giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn.

 

5. Không hút thuốc lá

Thuốc lá không chỉ gây hại đến sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ ngủ ngáy. Chất độc từ thuốc lá có thể gây viêm, tăng tiết chất nhầy và sưng ở đường hô hấp, làm tăng cản trở lưu thông không khí. Bỏ thuốc lá sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng này.

6. Không uống rượu bia

Rượu bia làm giãn nở các cơ quan hô hấp, khiến bạn dễ bị ngáy hơn. Hạn chế uống rượu trước khi ngủ khoảng 4-5 giờ để giảm thiểu ngáy và cải thiện chất lượng giấc ngủ. 

7. Tránh dùng thuốc an thần

Thuốc an thần có thể làm giãn cơ cổ họng, tương tự như rượu bia, làm tăng nguy cơ ngáy ngủ.

8. Kê cao gối ngủ

Việc kê cao đầu từ 10-12cm giúp giữ cho cổ và đầu ở vị trí thẳng sẽ làm cho luồng khí đi qua đường thở dễ dàng hơn, từ đó ngăn tình trạng ngáy.

 

Nằm nghiêng và kê gối cao giúp giảm ngáy và ngưng thở khi ngủ

 

9. Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì

Béo phì là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngáy, đặc biệt là mỡ thừa ở vùng cổ thường gây áp lực lên đường thở. Giảm cân bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục đều đặn có thể giúp giảm áp lực lên cơ quan hô hấp và giảm thiểu ngáy.

10. Những cách khác giúp điều trị tại nhà

  • Vệ sinh mũi họng: Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng trước khi ngủ, giúp làm sạch và thông thoáng đường thở.
  • Uống đủ nước: Giữ cho cơ thể đủ nước giúp làm loãng dịch nhầy, giảm nghẹt mũi và ngáy.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nếu bạn đã áp dụng tất cả các biện pháp trên mà tình trạng ngáy ngủ vẫn không cải thiện, hãy đi khám bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý như: ngưng thở khi ngủ, viêm xoang, lệch vách ngăn mũi…

 

Điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ

Nếu ở mức độ trung bình hoặc nặng với các triệu chứng như thường xuyên thức giấc giữa đêm, cảm thấy khó thở, buồn ngủ quá mức vào ban ngày, mệt mỏi, khó tập trung, người bệnh cần thăm khám để bác sĩ tư vấn và có những chỉ định phù một. Một số phương pháp điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ được các bác sĩ chuyên khoa thực hiện gồm: 

 

Hàm chống ngáy (Khí cụ hàm miệng)

Dụng cụ này là một trong những phương pháp hiệu quả cho những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ ở mức độ nhẹ đến trung bình. Dụng cụ này được thiết kế riêng cho từng người bệnh, giúp đẩy hàm dưới về phía trước, mở rộng đường thở, ngăn chặn lưỡi và các mô mềm ở cổ họng chặn đường thở khi ngủ, tránh tình trạng ngưng thở và ngáy trong khi ngủ.

Ưu điểm:

  • Nhỏ gọn, dễ sử dụng, thuận tiện mang theo.
  • Không xâm lấn.
  • Chi phí thấp hơn so với máy thở áp lực dương liên tục (CPAP).

Nhược điểm:

  • Có thể gây khó chịu, đau nhức hàm, chảy nước dãi trong thời gian đầu sử dụng.
  • Không hiệu quả với trường hợp ngưng thở khi ngủ mức độ nặng.

 

Thở áp lực dương liên tục (CPAP)

Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) là phương pháp phổ biến và hiệu quả giúp điều trị ngưng thở khi ngủ. CPAP hoạt động bằng cách cung cấp khí với áp suất cao qua một mặt nạ đeo trên mũi và/hoặc miệng, giữ cho đường thở thông suốt suốt quá trình ngủ. Phương pháp này không chỉ giúp giảm ngáy mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm thiểu các triệu chứng mệt mỏi vào ban ngày.


Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) là phương pháp phổ biến và hiệu quả giúp điều trị ngưng thở khi ngủ.

Ưu điểm:

Là phương pháp điều trị hiệu quả cho ngưng thở khi ngủ, kể cả trường hợp nặng.

Giảm ngáy, cải thiện chất lượng giấc ngủ rõ rệt.

Giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ.

Nhược điểm:

Có thể gây khó chịu, khô mũi, khô miệng, kích ứng da.

Có thể gây chảy máu mũi

Máy có thể gây tiếng ồn.

Chi phí cao.

 

Phẫu thuật đường thở trên

Trong trường hợp các phương pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả, phẫu thuật có thể được xem xét như là biện pháp để giải quyết vấn đề ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Phẫu thuật đường thở trên thường liên quan đến việc chỉnh sửa các cấu trúc gây cản trở, như cắt amidan, nạo VA, chỉnh hình họng màn hầu, giảm thể tích đáy lưỡi hoặc một số phẫu thuật mũi xoang.

Cần thăm khám tại chuyên khoa Tai Mũi Họng để lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp với tình trạng sức khỏe và mức độ ngưng thở. Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân, tùy loại phẫu thuật, người bệnh có thể nằm viện 1-5 ngày.

Trong trường hợp các phương pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả, phẫu thuật có thể được xem xét như là biện pháp để giải quyết vấn đề ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Ưu điểm:

Có thể giải quyết các vị trí tắc nghẽn vùng mũi hoặc hầu họng gây ra ngưng thở khi ngủ.

Hiệu quả lâu dài.

Nhược điểm:

Can thiệp phẫu thuật có thể gây ra các khó chịu cho người bệnh sau mổ như đau sau mổ, chảy máu sau mổ, nuốt sặc tạm thời, rối loạn vị giác tạm thời.

 

Phẫu thuật kéo xương hàm ra trước

Phẫu thuật kéo xương hàm ra trước là một phương pháp hiệu quả để điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ ở những người bệnh có cấu trúc hàm không phù hợp như cằm lẹm, lệch hàm hoặc các tình trạng khó nhai, dẫn đến sự tắc nghẽn đường thở. Phẫu thuật này giúp đẩy xương hàm dưới ra trước, tạo thêm không gian trong khoang miệng và đường thở, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn khi ngủ, giúp người bệnh dễ dàng thở hơn và ngừng ngáy. Đặc biệt phù hợp cho những trường hợp bất thường khung xương nặng, mà các phương pháp điều trị khác thất bại. 

Những lưu ý khi bị ngủ ngáy

  • Giảm cân (nếu thừa cân): Giảm cân giúp giảm lượng mỡ thừa ở vùng cổ, cải thiện đường thở.
  • Thay đổi tư thế ngủ: Nằm nghiêng thay vì nằm ngửa giúp giảm ngáy.
  • Tránh uống rượu bia và sử dụng thuốc an thần trước khi ngủ: Những chất này làm giãn cơ cổ họng, làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ.
  • Bỏ thuốc lá: Khói thuốc lá gây kích ứng và viêm đường hô hấp, làm trầm trọng thêm tình trạng ngưng thở khi ngủ.
  • Duy trì độ ẩm phòng ngủ: Sử dụng máy tạo độ ẩm để tránh khô mũi, họng.
  • Tập thể dục thường xuyên: Vận động đều đặn không chỉ giúp bạn giảm cân mà còn giúp cải thiện hô hấp và lưu thông máu, giúp giấc ngủ ngon hơn.

Thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị kịp thời

 

Nếu cảm thấy tình trạng ngáy ngủ không cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp trên, hãy thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị kịp thời. 

 

Chuyên khoa Khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn là địa chỉ thăm khám uy tín vàng cho sức khỏe hô hấp. Với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, luôn ưu tiên áp dụng các kỹ thuật điều trị tiến bộ cùng với cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng toàn diện các nhu cầu khám chữa bệnh của quý khách hàng. Đặc biệt, khoa đã đạt được những thành công đáng kể trong việc chẩn đoán và điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ. Bằng việc ứng dụng các phương pháp điều trị tiên tiến như sử dụng máy CPAP, phẫu thuật đường thở trên và các liệu pháp hỗ trợ khác. 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3