HOTLINE

Đối tượng nên tầm soát ung thư gan ?

Theo Globocan 2022 (GLOBOCAN là viết tắt của Global Cancer Observatory, là một tổ chức ước tính gánh nặng ung thư toàn cầu được thực hiện bởi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) ghi nhận về tỷ lệ mắc và tử vong cả hai giới do ung thư), tại Việt Nam ung thư gan đứng hàng thứ 2 với tỷ lệ tử vong còn rất cao.

  

 

Việt Nam nói riêng và một vài nước Đông Nam Á nói chung được xem là vùng dịch tễ của Viêm Gan Siêu Vi, đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên ung thư gan. Tầm soát ung thư gan là một trong những cách để phát hiện bệnh sớm, ngay khi chưa có triệu chứng và biểu hiện bệnh. Đặc biệt, tầm soát định kỳ được khuyến nghị cho những người có nguy cơ mắc ung thư gan cao. Cùng tìm hiểu thêm thông tin về tầm soát ung thư gan qua chia sẻ của BS.CKII Lê Thị Thu Sương - BS chuyên khoa Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn. 

 

Ung thư gan nguy hiểm như thế nào?

Ung thư gan là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, đáng lo ngại khi độ tuổi từ 15 - 30 tuổi mắc ung thư gan đang ngày càng tăng. Việc phát hiện sớm ung thư gan đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót cho người bệnh. 

 

BS.CKII Lê Thị Thu Sương - Bác sĩ chuyên khoa Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: Ung thư gan là một bệnh lý nguy hiểm vì ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, hoặc triệu chứng không rõ ràng, hoặc chỉ có những dấu hiệu nhẹ như mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu... khiến nhiều người chủ quan, bỏ qua triệu chứng và không đi khám. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan như người bị viêm gan B, C mãn tính, xơ gan, gan nhiễm mỡ... nên tầm soát ung thư gan định kỳ.  

 

Ở giai đoạn đầu, khi khối u còn nhỏ, chưa di căn, chức năng gan còn tương đối tốt. Lúc này, các phương pháp điều trị triệt căn như phẫu thuật cắt bỏ khối u, đốt u (RFA), hóa chất tiêu diệt u (TACE) có hiệu quả cao hơn, giúp nâng cao tỷ lệ khỏi bệnh. Ung thư gan giai đoạn muộn thường có nhiều biến chứng nguy hiểm như suy gan, xuất huyết tiêu hóa, vàng da, trướng bụng, suy kiệt… 

 

Đối tượng nào nên tầm soát ung thư gan?

Nhóm người có nguy cơ cao ung thư gan bao gồm:

1. Người mắc bệnh về gan:

Viêm gan virus B và C: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan.

Xơ gan: Xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào cũng làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Gan nhiễm mỡ nặng: Gan nhiễm mỡ do rượu hoặc không do rượu có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.

 

2. Người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan:

Nếu bạn có người thân (cha mẹ, anh chị em ruột) mắc ung thư gan, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

 

3. Người béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường:

Béo phì và tiểu đường là những yếu tố nguy cơ của gan nhiễm mỡ không do rượu, có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

 

4. Người sử dụng nhiều rượu bia:

Uống nhiều rượu bia có thể gây tổn thương gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan.

 

5. Người tiếp xúc với aflatoxin trong thức ăn bị mốc:

Aflatoxin là một loại nấm mốc có thể phát triển trên các loại ngũ cốc và hạt, đặc biệt là ở những khu vực có khí hậu nóng ẩm. Aflatoxin có thể gây ung thư gan.

 

6. Người lạm dụng thuốc anabolic steroid:

Anabolic Steroid là một chất hóa học giúp tăng khối lượng cơ bắp và phân chia các tế bào, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của mô cơ. Loại thuốc đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với các hoạt động thể dục thể thao. Tuy nhiên, thuốc anabolic steroid có thể gây tổn thương gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan.

 

7. Người có hệ thống miễn dịch suy yếu:

Người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như người nhiễm HIV/AIDS hoặc người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, có nguy cơ ung thư gan cao hơn.

BS Thu Sương khuyến cáo, nhóm đối tượng có nguy cơ cao tốt nhất nên thực hiện tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện ra bệnh và cần quản lý theo dõi các bệnh nền liên quan các yếu tố nguy cơ kể trên theo chuyên khoa.

 

Phương pháp tầm soát ung thư gan giai đoạn sớm: 

Sau khi thực hiện khám lâm sàng cho người bệnh, một số xét nghiệm khác nhau có thể được sử dụng để tầm soát ung thư gan, bao gồm:

Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để kiểm tra mức độ alpha-fetoprotein (AFP), là một loại protein có thể cao hơn ở những người mắc ung thư gan. Ở người lớn khỏe mạnh, nồng độ AFP huyết thanh là 0 - 7ng/mL. 

 

Siêu âm: Siêu âm là một kỹ thuật hình ảnh sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh gan. Siêu âm có thể được sử dụng để tìm kiếm các khối u hoặc các bất thường khác ở gan. Siêu âm có thể phát hiện được những khối u khi còn rất nhỏ (khoảng 0,5 cm – 1cm), kèm những bệnh lý như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Bên cạnh đó, việc siêu âm rất đơn giản, không gây hại đến sức khỏe và tiết kiệm chi phí.

 

Hình ảnh siêu âm được bác sĩ cung cấp

 

Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT là một kỹ thuật hình ảnh sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết của gan. Chụp CT có thể được sử dụng để tìm kiếm các khối u nhỏ hoặc các bất thường khác ở gan. CT được chỉ định khi siêu âm và xét nghiệm có gợi ý u gan và được chỉ định bởi bác sĩ. 

 

Hình ảnh được bác sĩ cung cấp

 

Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của gan. MRI có thể giúp phát hiện các khối u nhỏ hoặc các bất thường khác ở gan mà không thể phát hiện được bằng siêu âm hoặc CT.

 

Hình ảnh được bác sĩ cung cấp

 

Việc kết hợp chụp cắt lớp phân giải cao và chụp cộng hưởng từ có tiêm cản quang giúp chẩn đoán giai đoạn ung thư gan.

 

Phòng ngừa ung thư gan: 

Phòng ngừa ung thư gan dựa trên nguyên tắc ngăn chặn sự phát triển của các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan, bên cạnh đó duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh. 

 

Phòng ngừa ung thư gan

 

Một số lời khuyên phòng ung thư gan từ BS Thu Sương:

  • Tiêm phòng viêm gan B.
  • Điều trị và theo dõi định kỳ các bệnh nền liên quan như viêm gan B,C, xơ gan.
  • Có biện pháp phòng tránh khi tiếp xúc trực tiếp với virus viêm gan B,C dịch tiết, đường máu.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia.
  • Ăn uống lành mạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Tránh ăn thức ăn nhiễm nấm mốc, đặc biệt với bắp (ngô), đậu, hạt, gạo, lúa mì…
  • Chú ý ở người có sử dụng thuốc anabolic steroid (sử dụng trong các bệnh teo cơ, chậm phát triển trẻ em, tăng hiệu suất thể thao…).
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện ra các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến bệnh về gan và một số vấn đề sức khỏe khác có thể gây ung thư gan.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

 

 

Để nhận được tư vấn và thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, quý khách có thể đặt hẹn nhanh chóng qua hotline 1800 67 67.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

 

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3