HOTLINE

ĐỤC THỦY TINH THỂ: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ PHÂN LOẠI

Bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây suy giảm thị lực và dẫn đến mù lòa hàng đầu trong những bệnh về mắt. Nếu như trước đây, đục thủy tinh thể thường xuất hiện ở độ tuổi trên 50 thì ngày nay độ tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Nhận biết sớm các dấu hiệu về đục thủy tinh thể để bảo vệ đôi mắt của bạn qua bài viết sau.

 

Nhận biết sớm các dấu hiệu về đục thủy tinh thể để bảo vệ đôi mắt của bạn qua những chia sẻ từ BS. CKI Lê Đức Quốc - Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

Thủy tinh thể là gì? 

Thủy tinh thể (hay còn gọi là thủy tinh thể mắt) là một cấu trúc trong suốt, mềm và linh hoạt nằm sau ngay sau phần màu đen của mắt (lòng đen) và phía trước chất lỏng trong mắt (thủy dịch trong mắt), đóng vai trò quan trọng như một thấu kính trong việc điều tiết ánh sáng và giúp mắt nhìn rõ vật thể ở các khoảng cách khác nhau. 

 

Thủy tinh thể đóng vai trò quan trọng như một thấu kính trong việc điều tiết ánh sáng và giúp mắt nhìn rõ vật thể ở các khoảng cách khác nhau.

 

Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm khô) là một bệnh lý mắt phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Khi mắc bệnh này, thủy tinh thể trở nên mờ đục, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc nhìn rõ các chi tiết, màu sắc có thể trở nên nhạt nhòa và ánh sáng mạnh có thể gây chói lóa.

 

Nguyên nhân và các yếu tố gây đục thủy tinh thể

Các nguyên nhân gây đục thủy tinh thể gồm:

  • Nguyên nhân nguyên phát:

Tuổi tác: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đục thủy tinh thể. Khi tuổi càng cao, đặc biệt là sau 50 tuổi, thủy tinh thể có thể trở nên đục.

Di truyền: Một số người có thể bị đục thủy tinh thể do di truyền từ bố mẹ.

  • Nguyên nhân thứ phát: 

Chấn thương: Chấn thương mắt do tai nạn lao động, tai nạn giao thông có thể gây ra đục thủy tinh thể.

Bệnh lý: Một số bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì, tim mạch hoặc bệnh thận có thể gây ra đục thủy tinh thể.

Dùng thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng viêm (corticosteroid) trong thời gian dài, có thể gây đục thủy tinh thể.

 

Các yếu tố liên quan

Hút thuốc lá: Người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị đục thủy tinh thể.

Uống rượu: Uống rượu quá mức có thể tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

Chế độ ăn uống: Thiếu hụt vitamin C, E và các chất chống oxy hóa khác có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

Môi trường làm việc: Môi trường làm việc có nhiều bụi, hóa chất hoặc bức xạ có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

 

Môi trường làm việc có nhiều bụi, hóa chất hoặc bức xạ có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

 

Phân loại đục thủy tinh thể theo nguyên nhân

Đục thủy tinh thể tuổi già

Đây là loại đục thủy tinh thể phổ biến nhất, thường xảy ra ở người trên 50 tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên. Quá trình lão hóa khiến protein trong thủy tinh thể kết tụ, làm cho thủy tinh thể mất đi độ trong suốt. 

Đặc điểm: Thủy tinh thể dần trở nên mờ đục, ảnh hưởng đến thị lực.

Triệu chứng: Mờ mắt, nhìn mờ, nhìn đôi, khó chịu với ánh sáng; Thị lực giảm dần; Ban đêm gần như khó quan sát được.

 

Đục thủy tinh thể ở người già thường xảy ra ở người trên 50 tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên.

 

Đục thủy tinh thể do bệnh lý

Nguyên nhân: Các bệnh lý khác như tiểu đường, cao huyết áp, viêm màng bồ đào có thể gây ra đục thủy tinh thể. Có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không chỉ giới hạn ở người cao tuổi.

Đặc điểm: Thủy tinh thể bị ảnh hưởng bởi các biến chứng của bệnh nền.

Triệu chứng: Tùy thuộc vào bệnh nền và mức độ ảnh hưởng đến thủy tinh thể.

 

Đục thủy tinh thể do chấn thương

Chấn thương mắt do tai nạn, va đập có thể gây tổn thương thủy tinh thể.

Đặc điểm: Vết đục trên thủy tinh thể có thể có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau.

Triệu chứng: Mờ mắt, nhìn đôi, đau mắt, đỏ mắt.

 

Đục thủy tinh thể bẩm sinh

Nguyên nhân: Do các bất thường di truyền hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Đặc điểm: Thủy tinh thể bị mờ đục ngay từ khi sinh ra, có thể kèm theo các dị tật khác ở mắt.

 

Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể điển hình

Triệu chứng đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện vì chưa rõ ràng và không gây đau đớn. Theo thời gian, bệnh ngày càng tiến triển với các dấu hiệu rõ nét hơn như:

Triệu chứng của đục thủy tinh thể

 

  • Tuy ban đầu không có triệu chứng đục thủy tinh thể rõ ràng, nhưng theo thời gian, khi bệnh tiến triển thì bạn có thể gặp phải một trong số dấu hiệu dưới đây:
  • Nhìn mờ, cảm giác như có một màn sương che phủ trước mắt.
  • Nhìn đôi (song thị), nhìn thấy 2 hình ảnh cùng một lúc do ánh sáng đi qua thủy tinh thể bị tán xạ.
  • Xuất hiện chấm nhỏ hoặc vệt đen trước tầm nhìn (hiện tượng ruồi bay).
  • Mọi hình ảnh đều có thêm màu vàng nhạt trong khi các màu sắc bắt mắt khác như đỏ, cam… có thể bị giảm bớt.
  • Việc đọc có thể khó khăn hơn do mắt nhìn mờ, giảm sự tương phản với chữ, đồng thời, mắt sẽ rất nhanh bị nhức mỏi khi đọc sách báo quá lâu.
  • Tăng nhạy cảm với ánh sáng có thể khiến bạn khó khăn hơn trong việc lái xe vào ban đêm do ánh sáng chói từ đèn pha của các xe ngược chiều, triệu chứng đục thủy tinh thể này thường gặp hơn khi bị đục thủy tinh thể bao sau.

Khi bệnh đến giai đoạn nặng hơn thấy các triệu chứng biểu hiện bệnh như:

  • Giảm thị lực là triệu chứng điển hình và quan trọng ở bệnh đục thủy tinh thể. Mắt nhìn mờ hơn, khó nhìn hay mỏi mắt khi tập trung nhìn vào một vật nào đó.
  • Tăng nhạy cảm với ánh sáng hay lóa mắt, nhìn ở ngoài sáng khó hơn khi nhìn ở nơi có bóng râm. Do khi có ánh sáng đồng tử co lại làm hạn chế ánh sáng có thể tới được võng mạc.
  • Nhìn mờ như có màn sương che trước mắt.
  • Các triệu chứng có thể thấy ở cả hai mắt hoặc một mắt.

 

Bệnh đục thủy tinh thể là một bệnh nguy hiểm, cần chữa trị kịp thời. Phát hiện sớm triệu chứng đục thủy tinh thể, tiến hành điều trị đúng cách sẽ giúp cải thiện thị lực nhanh chóng, ngăn ngừa nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Hiện nay phương pháp điều trị đục thủy tinh thể phổ biến và hiệu quả vẫn là Kỹ thuật mổ Phaco. 

Kỹ thuật Phaco là phương pháp phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể bằng cách tán nhuyễn thủy tinh thể tự nhiên đã bị đục bằng sóng siêu âm tần suất cao rồi hút hết phần nhân này qua vết mổ nhỏ, sau đó thay thế một thủy tinh thể nhân tạo để phục hồi thị lực. Hiện nay, phương pháp điều trị đục thủy tinh thể bằng phẫu thuật Phaco đang được các bác sĩ Nhãn khoa ưu tiên lựa chọn vì những ưu điểm từ tiêu chí 3 không: Không đau – Không tổn thương tổ chức xung quanh – Không lưu viện (người bệnh xuất viện ngay sau khi phẫu thuật).

 

Thăm khám mắt định kỳ nên được thực hiện, đặc biệt đối với những người ở độ tuổi 50 trở lên.

 

Việc thăm khám và tầm soát những nguy cơ có thể ảnh hưởng xấu đến đôi mắt cần được thường xuyên thực hiện, đặc biệt đối với những người ở độ tuổi 50 trở lên.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

Chuyên gia

LÊ ĐỨC QUỐC
BS.CKI
LÊ ĐỨC QUỐC
Bác sĩ chuyên khoa Mắt
  • share1
  • zalo
  • share3