HOTLINE

NGUY CƠ BỆNH GOUT TÁI PHÁT SAU TẾT

Với những người đang điều trị bệnh gout hay người đã có sẵn tình trạng tăng axit uric trong máu, Tết có thể là thời điểm lý tưởng để bệnh quay trở lại và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng sống.

 

Gout là bệnh gì?

Bệnh gout (gút) là một dạng viêm khớp mãn tính, do rối loạn chuyển hóa axit uric hoặc khi cơ thể không thể đào thải đủ lượng axit uric ra ngoài, dẫn đến việc tích tụ và lắng đọng hợp chất này dưới dạng tinh thể (hạt tophi), trông như các nốt sần nhỏ phát triển ngay bên dưới da tại các khớp, gây ra những cơn viêm khớp.

Bệnh gout nếu tái phát thường xuyên và không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Tổn thương, biến dạng khớp và xương.
  • Vấn đề về thận: Sỏi thận, tổn thương thận, suy thận.

 

Triệu chứng của bệnh gout

Khi bệnh gout khởi phát sẽ xuất hiện các cơn đau khớp dữ dội và đột ngột tại những khớp ngón chân (đặc biệt là ở ngón chân cái), cổ chân, khớp gối hay các khớp cổ tay, khuỷu tay, bàn tay… đi kèm là tình trạng sưng đỏ và ấm vùng quanh khớp. Đồng thời, người bệnh khó đi lại, di chuyển bình thường khi bệnh tiến triển.

 

Những nguy cơ khiến bệnh gout tái phát sau Tết

Trong dịp lễ Tết, việc thay đổi đột ngột trong chế độ sinh hoạt, ăn uống, kết hợp với việc người bệnh không tuân thủ điều trị có thể làm gia tăng nồng độ acid uric trong máu, tăng nguy cơ tái phát hoặc tiến triển bệnh nặng hơn. Cụ thể bệnh gout có thể tái phát khi gặp phải các yếu tố sau:

  1. Chế độ ăn uống không lành mạnh: Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu purin (chất chuyển hóa thành axit uric) như thịt đỏ và hải sản, đồ chiên rán, rượu bia trong thời gian nghỉ Tết làm tăng nồng độ axit uric trong máu.
  2. Thiếu vận động và không cung cấp đủ nước: Làm chậm quá trình đào thải axit uric.
  3. Thay đổi trong lịch trình sinh hoạt: Áp lực, căng thẳng và thay đổi nhịp sống đột ngột cũng gây tăng axit uric trong máu.
  4. Người bệnh không tuân thủ điều trị bằng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

 

Vì vậy, sau Tết người bệnh nên sớm tái khám để làm các xét nghiệm kiểm tra nồng độ axit uric máu và chức năng gan, thận. Từ đó, bác sĩ chuyên khoa có thể đánh giá chính xác tình trạng và điều chỉnh phương án điều trị phù hợp.

 

Các phương pháp điều trị bệnh gout

Gout là một bệnh mãn tính, nhưng nếu phát hiện sớm và có phác đồ điều trị phù hợp, bệnh hoàn toàn có thể được kiểm soát và không gây ảnh hưởng đến chất lượng sống. Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh gout phổ biến:

  1. Điều trị nội khoa bằng thuốc

Người bệnh có thể kiểm soát các đợt bùng phát bằng cách thăm khám và điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc thường sử dụng để điều trị bệnh gout bao gồm: Giảm đau và chống viêm, thuốc giúp kiểm soát axit uric.

  1. Can thiệp phẫu thuật nội soi

Ở một số trường hợp, sự tích tụ các hạt tophi biểu hiện u sần, cứng, sưng ở quanh khớp gây cản trở chức năng khớp, phẫu thuật nội soi khớp có thể được cân nhắc để loại bỏ hạt tophi hoặc thay khớp nhân tạo đối với khớp đã hư hỏng hoàn toàn, nhằm cải thiện chức năng vận động của người bệnh.

 

Một số lưu ý giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị bệnh gout

  1. Tránh ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm như các loại thịt đỏ (thịt bò, dê, cừu...) và các loại hải sản (tôm, cua, sò...).
  2. Không ăn nội tạng động vật, các loại trứng lộn, tiết canh.
  3. Không uống rượu bia, nước ngọt có ga, đồ uống nhiều đường.
  4. Uống đủ nước hàng ngày.
  5. Ăn rau xanh và các loại trái cây tươi (những loại thực phẩm giàu vitamin C).
  6. Tập luyện thể dục đều đặn và phù hợp với tình trạng cơ thể, duy trì mức cân nặng phù hợp.
  7. Nghỉ ngơi, hạn chế xảy ra căng thẳng và áp lực.
  8. Chườm lạnh giảm sưng, đau tại vị trí khớp bị viêm.
  9. Cần kê khớp bị viêm cao hơn so với mặt giường khi nghỉ ngơi.

Uống đủ nước hàng ngày giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị bệnh gout.

 

Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh gout, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống, là những việc làm rất quan trọng để kiểm soát tình trạng bệnh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3