HOTLINE

Hoại tử chỏm xương đùi: Nguyên nhân, dấu hiệu, chuẩn đoán, điều trị

Hoại tử chỏm xương đùi là bệnh lý gây biến dạng, tiêu xương chỏm xương đùi, gây nên tình trạng đau khớp háng, đặc biệt khi vận động, đi lại.

Ở giai đoạn nặng sẽ gây ngắn chi, đi khập khiễng, thậm chí mất khả năng đi lại và tàn phế. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở độ tuổi từ 40 đến 65 tuổi và gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

 

Hoại tử chỏm xương đùi là gì?

BS.CKI Sơn Tấn Ngọc - khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng xảy ra do thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn tới hoại tử xương và sụn. Vì vậy dù được phát hiện sớm và điều trị nội khoa hay vật lý trị liệu cũng không tác động được nhiều do các tế bào xương và sụn ở xương đùi đã bị hoại tử hoàn toàn vì không được cung cấp máu. Người bệnh cần có những biện pháp can thiệp kịp thời để tránh đối mặt với nguy cơ tàn phế. 

 

 

Hoại tử chỏm xương đùi là một biến chứng nặng đối với các bệnh lý về xương đùi bao gồm do chấn thương và không do chấn thương. 

 

Dấu hiệu hoại tử chỏm xương đùi:

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi không có dấu hiệu rõ rệt ở giai đoạn đầu, khi tình trạng nặng hơn người bệnh mới cảm thấy các cơn đau ở khớp háng, mông, có thể lan xuống đùi và đau nhiều khi vận động. Ở giai đoạn muộn người bệnh đau cả khi đã nằm nghỉ ngơi, không thể đi lại bình thường.

 

 

Hậu quả cuối cùng của hoại tử chỏm xương đùi là viêm khớp mạn tính không đáp ứng với thuốc, lún sụp đầu xương đùi và cuối cùng là tàn phế (không còn khả năng vận động của khớp). 

 

Những triệu chứng thường gặp ở người bệnh hoại tử chỏm xương đùi gồm:

Đau nhức khớp háng: Đây là triệu chứng chính, xuất hiện đầu tiên. Cơn đau xuất hiện ở mặt trong vùng bẹn lan xuống mặt trong đùi. Một số trường hợp có thể bị đau vùng mông.

Cơn đau xuất hiện ở một hay cả hai bên khớp háng. Cơn đau trở nên nghiêm trọng khi vận động, đứng lâu và thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

Hạn chế tầm vận động khớp háng: Cơn đau có thể khiến người bệnh gặp khó khăn khi vận động khớp háng như xoay trong, xoay ngoài, dạng hoặc khép. Đặc biệt, người hoại tử chỏm xương đùi rất khó ngồi xổm, gần như không thể thực hiện tư thế này.

Vào giai đoạn sau, cơn đau dữ dội, hạn chế phần lớn những hoạt động khớp háng, bao gồm cả các động tác gập, duỗi.

 

 

Nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi:

Chấn thương: Các chấn thương như trật khớp, gãy cổ xương đùi… có thể ảnh hưởng tới việc cung cấp máu tới xương, dẫn tới hoại tử xương. Hoại tử xương thường xuất hiện sau chấn thương khoảng 2 năm, không bị ảnh hưởng bởi tuổi và giới tính.

Dùng corticosteroid mạn tính: Việc dùng corticosteroid lâu dài bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch đều làm tăng nguy cơ hoại tử xương ở người bệnh.

Lạm dụng rượu bia: Thói quen xấu này có thể khiến chất béo tích tụ trong mạch máu, làm giảm lưu lượng máu tới xương.

Cục máu đông, viêm và tổn thương động mạch đều có thể ngăn chặn lưu lượng máu tới xương.

 

Những yếu tố liên quan:

Tuổi tác: Bệnh có xu hướng gia tăng theo tuổi.

Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Một số bệnh lý: Các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid… khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ hoại tử xương rất cao.

 

Điều trị hoại tử chỏm xương đùi: 

Điều trị hoại tử chỏm xương đùi bao gồm sử dụng thuốc, vật lý trị liệu, tiêm những yếu tố sinh học. Nếu người bệnh đau đớn nhiều, chỏm xương đùi bị xẹp, thoái hóa ổ cối nặng, phẫu thuật thay khớp háng toàn phần có thể được chỉ định.

 

 

Việc phát hiện bệnh sớm và được điều trị ngoại khoa - điển hình là thay khớp háng sẽ mang lại hiệu quả, đây cũng là phương pháp tối ưu cho người bị hoại tử chỏm xương đùi.

 

Thoái hóa khớp kéo dài lâu năm sẽ làm suy giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh như: mất ngủ nhiều đêm do đau buốt sẽ làm tăng nguy cơ tim mạch, dùng thuốc điều trị nội khoa dài ngày sẽ gây nhiều biến chứng như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận… Ở người cao tuổi, các sụn khớp khi bị tổn thương thì khả năng tái tạo lại sẽ rất thấp, nếu tình trạng khớp bị hư nhiều và đã dùng nhiều phương pháp để điều trị trước đó nhưng không mang lại hiệu quả thì việc chỉ định phẫu thuật thay khớp là giải pháp tối ưu, tránh được nguy cơ tàn tật vĩnh viễn, đưa người bệnh trở lại với sinh hoạt thường ngày và cải thiện được chất lượng cuộc sống.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

Chuyên gia

SƠN TẤN NGỌC
BS.CKI
SƠN TẤN NGỌC
Bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình
  • share1
  • zalo
  • share3