HOTLINE

Ung thư đường tiêu hóa: Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư đường tiêu hóa

Dù không có biểu hiện bệnh lý đường tiêu hóa, việc tầm soát để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa vẫn được khuyến cáo đối với những người ở độ tuổi ngoài 40 tuổi, không đợi đến khi có triệu chứng nghi ngờ. 

 

Tại Việt Nam, số lượng người mắc các bệnh ung thư đường tiêu hoá ngày càng gia tăng, đặc biệt là ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng. Bệnh thường tiến triển âm thầm nên khi có triệu chứng, có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Vậy khi nào cần thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa, cùng tìm hiểu thông qua chia sẻ của BS.CKII Võ Đăng Sơn - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn. 

 

 

Ung thư đường tiêu hóa là gì?

Chia sẻ về ung thư tiêu hóa, BS.CKII Võ Đăng Sơn cho biết: Hệ tiêu hóa kéo dài từ miệng đến tận cùng của hậu môn cùng nhiều cơ quan tham gia như gan, mật, tụy. Ung thư đường tiêu hóa là một căn bệnh phổ biến, xảy ra khi có sự xuất hiện của các khối u ác tính trong đường tiêu hóa ở các cơ quan như: thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan. Ung thư đường tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân như yếu tố di truyền, chế độ sinh hoạt và ăn uống. Ở giai đoạn đầu, do không có triệu chứng rõ rệt nên người bệnh không phát hiện bệnh, cho đến khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn tiến triển, điều trị khó và tiên lượng xấu, thời gian sống còn sau điều trị mà chủ yếu là phẫu thuật không lâu.

 

 

Ung thư đường tiêu hóa được phân chia thành 2 nhóm: ung thư đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày) và ung thư đường tiêu hóa dưới (ruột non, ruột già, đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan). 

 

Nhận biết sớm ung thư đường tiêu hóa: 

Hầu hết các bệnh ung thư ở giai đoạn sớm người bệnh thường không có triệu chứng. Việc tầm soát sớm ung thư đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên hầu hết người Việt Nam chỉ đến bệnh viện thăm khám khi có dấu hiệu bất thường nên bỏ qua cơ hội phát hiện bệnh sớm. 

 

Các dấu hiệu cần phải khám và tầm soát ung thư đường tiêu hóa:

Khó nuốt: Thực quản sẽ bị hẹp khi có khối u xuất hiện dẫn đến đau và khó nuốt khi ăn.

Miệng có mùi hôi khó chịu: Nên nghĩ đến bệnh lý dạ dày, thực quản, gan.

Thói quen đại tiện thay đổi: Táo bón, tiêu chảy liên tục trong thời gian dài là dấu hiệu cảnh báo của tiêu hóa đang gặp vấn đề. Có thể kèm theo một dấu hiệu khác như: đau quặn ruột, mót đại tiện, phân nhỏ dẹt.

Phân có máu: Máu từ khối u đường tiêu hóa theo phân ra ngoài. 

Giảm cân không rõ nguyên nhân: Trọng lượng cơ thể từ 1- 2 tháng sụt cân nhanh chóng, giảm từ 5 – 7 kg nhưng chế độ ăn uống vẫn bình thường.

Suy nhược cơ thể hoặc mệt mỏi: Cơ thể có thể xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, uể oải. Đây là triệu chứng xảy ra khá phổ biến nhưng thường bị chúng ta lơ là và bỏ qua.

Đầy hơi, khó tiêu: Cơ thể có triệu chứng như bụng chướng, cảm giác ậm ạch, khó chịu dù đã kết thúc bữa ăn từ lâu.

 

 

Trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, các thành viên trong gia đình được xếp vào nhóm có nguy cơ bị ung cao hơn. Nếu một người có một người trong gia đình: bố/mẹ/ anh chị em ruột hay con bị ung thư đại trực tràng hoặc có polyp đại trực tràng ở tuổi còn trẻ (trước 60 tuổi), hoặc 02 thành viên được chẩn đoán ung thư hoặc polyp ở bất kỳ tuổi nào, thì người đó nên được khám sàng lọc ung thư đại trực tràng sớm, thông thường từ 40 tuổi, hoặc sớm hơn 10 tuổi so với thành viên trẻ nhất được chẩn đoán trong gia đình.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3