HOTLINE

Sỏi thận - Nguyên nhân, dấu hiệu, chuẩn đoán và cách điều trị

Sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới trung niên. Tuổi mắc bệnh thường từ 30 – 55 tuổi. Nam giới có cấu tạo đường tiết niệu phức tạp hơn nên sỏi thường khó tự đào thải như ở nữ giới.

 


 

Tìm hiểu thông tin về sỏi thận qua bài viết sau được tham vấn chuyên môn từ BS.CKII. Lê Văn Hiếu Nhân - Phó trường khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

1. Sỏi Thận là gì?

Nước tiểu chứa nhiều khoáng chất và muối hòa tan. Sỏi thận có thể được hình thành khi nước tiểu có hàm lượng cao các khoáng chất và muối. Sỏi thận mới hình thành sẽ có kích thước nhỏ nhưng có thể phát triển thành kích thước lớn hơn, thậm chí lấp đầy hệ thống đài bể thận. Một số viên sỏi nằm trong thận và không gây ra vấn đề gì.

 

Nhiều sỏi thận nhỏ có thể di chuyển xuống qua khỏi niệu quản, đến bàng quang và được tống ra ngoài theo nước tiểu một cách tự nhiên. Nếu sỏi thận di chuyển xuống mắc kẹt ở niệu quản, niệu đạo sẽ hình thành sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo và sỏi thận đi xuống đến bàng quang mà không được tống xuất ra ngoài sẽ hình thành sỏi bàng quang. Khi sỏi từ thận đi xuống và bị mắc kẹt ở một vị trí nào đó trên đường tiết niệu,  nó sẽ chặn dòng nước tiểu từ thận xuống và gây đau, gây sốt, gây giãn đường tiết niệu phía trên vị trí sỏi bị kẹt lại.

 

 

2. Các loại sỏi thận?

Sỏi thận có nhiều loại và màu sắc khác nhau. Cách điều trị và ngăn hình thành sỏi tùy thuộc vào loại sỏi mà bạn mắc phải.

Sỏi canxi (80% sỏi)

Sỏi canxi là loại sỏi thận phổ biến. Có hai loại sỏi canxi: canxi oxalat và canxi photphat. Canxi oxalat cho đến nay là loại sỏi canxi phổ biến. Một số người có quá nhiều canxi trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ bị sỏi canxi. Tuy nhiên, sỏi canxi cũng có thể hình thành với lượng canxi bình thường trong nước tiểu.

 

Sỏi axit uric (5-10 % sỏi)

Axit uric là một sản phẩm thải ra từ những thay đổi hóa học trong cơ thể. Các tinh thể axit uric không hòa tan tốt trong nước tiểu có tính axit và thay vào đó sẽ tạo thành sỏi axit uric. Nước tiểu có tính axit có thể đến từ:

  • Tình trạng thừa cân
  • Tiêu chảy mạn tính
  • Tiểu đường tuýp 2 (đường huyết cao)
  • Bệnh gút
  • Chế độ ăn nhiều đạm động vật, ít rau củ quả.

 

 

Sỏi Struvite/ Sỏi nhiễm trùng (10% sỏi)

Sỏi struvite không phải là một loại sỏi phổ biến. Những viên sỏi này có liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính (UTI: urinary tract infections). Một số vi khuẩn làm cho nước tiểu ít axit hơn và có tính bazơ hoặc kiềm hơn. Sỏi magie amoni photphat (struvite) hình thành trong nước tiểu có tính kiềm. Những viên sỏi này thường lớn, có nhánh và chúng thường phát triển rất nhanh.

Những người bị nhiễm trùng tiểu mạn tính, hoặc những người có khả năng làm rỗng bàng quang kém do rối loạn thần kinh (liệt, đa xơ cứng và nứt đốt sống) có nguy cơ cao phát triển những loại sỏi này.

 

Sỏi cystin (ít hơn 1% sỏi)

Cystine là một loại axit amin có trong một số loại thực phẩm; nó là một trong những khối xây dựng của protein. Cystin niệu (có quá nhiều cystine trong nước tiểu) là một rối loạn chuyển hóa di truyền hiếm gặp. Đó là khi thận không tái hấp thu cystine từ nước tiểu. Khi lượng cystine cao trong nước tiểu, nó sẽ hình thành sỏi. Sỏi cystine thường bắt đầu hình thành trong thời thơ ấu.

 

3. Triệu chứng của sỏi thận?

Các triệu chứng phổ biến của sỏi thận bao gồm đau nhói, chuột rút ở lưng và bên hông. Cảm giác này thường di chuyển xuống bụng dưới hoặc bẹn. Cơn đau thường bắt đầu đột ngột và đến từng đợt. Nó có thể đến và đi khi cơ thể cố gắng tống sỏi ra ngoài.

 

 

Các dấu hiệu khác của sỏi thận bao gồm:

  • Cảm giác muốn đi tiểu gấp.
  • Đi tiểu nhiều hơn hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc đỏ do lẫn máu. Đôi khi nước tiểu chỉ có một lượng nhỏ tế bào hồng cầu không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Đối với nam giới có thể cảm thấy đau ở đầu dương vật.

 

4. Nguyên nhân gây sỏi thận

 

Có nhiều nguyên nhân khiến lượng chất khoáng trong nước tiểu tăng cao như:

 

Nguyên Nhân Gây Sỏi Thận Bắt Nguồn Từ Những Thói Quen Hằng Ngày - Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Nam Sài Gòn

Lượng nước tiểu thấp

Một yếu tố nguy cơ chính gây sỏi thận là lượng nước tiểu ít liên tục, kéo dài. Lượng nước tiểu thấp có thể do mất nước (mất chất lỏng trong cơ thể) đến từ việc tập thể dục nặng nhọc, làm việc hoặc sống ở nơi nóng hoặc không uống đủ nước. Khi lượng nước tiểu ít thì nồng độ các chất hòa tan trong nước tiểu cao, dễ gây ra tình trạng siêu bão hòa, cặn lắng, từ đó hình thành sỏi thận. Tăng lượng chất lỏng uống vào sẽ làm loãng muối trong nước tiểu và có thể làm giảm nguy cơ hình thành sỏi.

 

Chế độ ăn

Người Việt Nam có thói quen ăn mặn, nhiều gia vị, ngoài ra một chế độ ăn giàu protein động vật, chẳng hạn như thịt bò, cá, thịt gà và thịt lợn có thể làm tăng nồng độ axit trong cơ thể và trong nước tiểu. Nồng độ axit cao làm cho sỏi canxi oxalat và axit uric dễ hình thành hơn.

 

Tình trạng ruột

Một số tình trạng đường ruột gây tiêu chảy (chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng) hoặc phẫu thuật (chẳng hạn như phẫu thuật bắc cầu dạ dày) có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

 

Béo phì

Béo phì là một yếu tố nguy cơ tạo sỏi. Béo phì có thể làm thay đổi nồng độ axit trong nước tiểu, dẫn đến hình thành sỏi.

 

Tình trạng bệnh nội khoa

Một số bệnh nội khoa làm tăng nguy cơ sỏi thận. Sự phát triển bất thường của một hoặc nhiều tuyến cận giáp, kiểm soát quá trình chuyển hóa canxi, có thể gây ra nồng độ canxi cao trong máu và nước tiểu. Điều này có thể dẫn đến sỏi thận. Một tình trạng khác gọi là nhiễm toan ống thận xa, trong đó có sự tích tụ axit trong cơ thể, có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận canxi photphat.

Một số rối loạn hiếm gặp, di truyền cũng có thể làm cho một số loại sỏi dễ xảy ra hơn. Các ví dụ bao gồm chứng cystin niệu, có quá nhiều axit amin cystine trong nước tiểu và chứng tăng oxalate niệu nguyên phát, trong đó gan tạo ra quá nhiều oxalat. 

 

Thuốc

Một số loại thuốc, bổ sung canxi và vitamin C có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. 

 

Tiền sử gia đình

Nguy cơ bị sỏi thận cao hơn nhiều nếu bạn có tiền sử gia đình bị sỏi, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em ruột.

BS.CKII. Lê Văn Hiếu Nhân cho biết để phòng ngừa sỏi thận, cần rèn luyện thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Những người từng có tiền sử mắc sỏi thận nên tránh các thức ăn có quá nhiều canxi, hạn chế các thức ăn nhiều muối, nên ăn ít đường. Đặc biệt, cần rèn thói quen uống nhiều nước mỗi ngày để thải độc cơ thể. Hàng ngày, mỗi người nên uống từ 2 – 2,5 lít nước, luyện tập thể thao điều độ. 

4. Chuẩn đoán sỏi thận như thế nào?
 

Sỏi thận "thầm lặng", không gây triệu chứng, thường được phát hiện khi chụp X-quang, siêu âm  trong quá trình khám sức khỏe. Những người khác được chẩn đoán sỏi khi cơn đau đột ngột xảy ra trong khi viên sỏi đang di chuyển và cần được chăm sóc y tế.
Khi một người có máu trong nước tiểu (tiểu máu) hoặc đau bụng hoặc đau bên sườn đột ngột, các xét nghiệm như siêu âm hoặc chụp CT có thể chẩn đoán sỏi. Các xét nghiệm hình ảnh này cho Bác sĩ biết viên sỏi lớn như thế nào và vị trí của nó.
Chụp CT thường được sử dụng khi nghi ngờ có sỏi. Nó được sử dụng vì nó có thể chẩn đoán nhanh chóng và chính xác.

 

5. Điều trị sỏi thận:

Việc điều trị tùy thuộc vào loại sỏi, vị trí sỏi, mức độ nghiêm trọng của nó và khoảng thời gian bạn có các triệu chứng. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau để lựa chọn. Điều quan trọng là nói chuyện với Bác sĩ chuyên khoa Niệu để được tư vấn cho bạn.

 

 

Đợi hòn sỏi được tống xuất ra ngoài tự nhiên

Sỏi thận nhỏ có thể chỉ cần đợi viên sỏi tự trôi ra ngoài tự nhiên và những viên sỏi nhỏ hơn có nhiều khả năng tự đào thải ra ngoài hơn những viên sỏi lớn hơn.
Chờ từ 4 đến 6 tuần để sỏi có thể trôi ra ngoài miễn là cơn đau có thể chịu được, không có dấu hiệu nhiễm trùng, thận không bị tắc hoàn toàn và sỏi đủ nhỏ để có khả năng tự trôi ra ngoài. Trong khi chờ sỏi ra ngoài, bạn nên uống một lượng nước bình thường. Bạn có thể cần dùng thuốc giảm đau khi có cảm giác khó chịu.

 

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc đã được chứng minh là cải thiện khả năng viên sỏi sẽ được tống xuất ra ngoài. Theo kê đơn của bác sĩ sẽ làm giãn niệu quản, giúp sỏi trôi ra ngoài dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể cần thuốc giảm đau và chống buồn nôn khi chờ viên sỏi tự trôi ra ngoài.

 

Phẫu thuật điều trị sỏi thận

Phẫu thuật có thể cần thiết để lấy sỏi ra khỏi niệu quản hoặc thận nếu:
Sỏi không tự trôi ra ngoài được.
Nỗi đau quá lớn khi chờ viên sỏi tự trôi ra ngoài.
Sỏi đang ảnh hưởng đến chức năng thận.
          

Sỏi thận nên được loại bỏ bằng phẫu thuật nếu chúng gây nhiễm trùng lặp đi lặp lại trong nước tiểu hoặc vì chúng cản trở dòng nước tiểu từ thận. Ngày nay, phẫu thuật thường bao gồm các vết mổ nhỏ hoặc không có vết mổ (vết cắt), ít đau và thời gian nghỉ là tối thiểu.
Phẫu thuật để loại bỏ sỏi trong thận hoặc niệu quản là:

  • Tán sỏi bằng sóng xung kích (ESWL)
  • Nội soi niệu quản (URS: Ureteroscopy)
  • Tán sỏi thận qua da (PCNL: Percutaneous nephrolithotomy)

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

Chuyên gia

LÊ VĂN HIẾU NHÂN
BS.CKII
LÊ VĂN HIẾU NHÂN
Phụ trách khoa Ngoại tổng hợp
  • share1
  • zalo
  • share3