HOTLINE

Nội soi tiêu hóa là gì? Những lưu ý quan trọng khi đi nội soi tiêu hóa

 

Nội soi tiêu hóa giúp phát hiện các bệnh lý về đường tiêu hóa như chảy máu tiêu hóa, viêm, loét, polyp, dị vật,... đặc biệt là giúp chẩn đoán sớm các bệnh lý ung thư dạ dày và đại trực tràng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chưa hiểu rõ về quy trình thực hiện nội soi tiêu hóa nên thường có tâm lý lo lắng, e ngại khi nội soi. Vậy nội soi hệ tiêu hóa là gì? Cần làm gì trước và sau khi nội soi ? Là câu hỏi nhiều người bệnh thắc mắc nhất hiện nay. 

 

Cùng tìm hiểu những lưu ý khi đi nội soi tiêu hóa qua chia sẻ của BS Võ Ngọc Diễm - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

I. Nội soi hệ tiêu hóa là gì?

Nội soi tiêu hóa là thủ thuật xâm lấn tối thiểu để kiểm tra thực quản, dạ dày, tá tràng hoặc đại tràng bằng một ống mềm có camera gắn ở đầu ống. Nội soi vừa có thể xác định được những bất thường trong đường ruột, vừa có thể trực tiếp can thiệp vào tổn thương (khi cần thiết). 

Nội soi tiêu hóa bao gồm: nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng và nội soi đại trực tràng. Có 2 hình thức nội soi là nội soi có mê và nội soi không mê. 

    1. Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng

Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng được thực hiện bằng cách đưa một ống soi mềm, nhỏ qua đường miệng hoặc đường mũi. Đầu ống soi có gắn đèn chiếu sáng và một camera nhỏ thu hình trực tiếp chiếu lên màn hình. 

    2. Nội soi đại trực tràng

Nội soi đại trực tràng là sử dụng ống soi đưa vào cơ thể thông qua đường hậu môn, tiếp theo là đi ngược lên trực tràng, đại tràng nhằm ghi lại hình ảnh ở bên trong cơ quan này và giúp bác sĩ nhận diện được những bất thường đường tiêu hóa. Dựa trên những hình ảnh này, bác sĩ có thể chẩn đoán được những bệnh lý mà bệnh nhân đang mắc phải ở đại tràng. Khi nội soi đại trực tràng để quan sát kỹ các bác sĩ phải bơm hơi vào đại tràng. Chính vì vậy có thể cảm thấy căng chướng, tức bụng, mắc đại tiện, một số bệnh nhân có thể thấy đau nhẹ chịu đựng được nhưng có một số trường hợp người bệnh cảm thấy đau quá mức thường cần thêm thủ thuật gây mê trước khi nội soi.

II. Khi nào cần nội soi tiêu hóa ?

- Khi người bệnh có các triệu chứng đường tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, khó nuốt, ợ nóng, đau bụng trên kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân, đi tiêu phân máu, táo bón, tiêu chảy kéo dài,...

- Tầm soát định kỳ cho những người có tiền sử bị loét hoặc polyp, ung thư dạ dày và kiểm tra các phát hiện bất thường đã quan sát thấy trong lần chụp cắt lớp vi tính hoặc kiểm tra X-quang, siêu âm trước đó.

- Tầm soát ung thư đại tràng ở những người trên 45 tuổi hoặc có tiền sử gia đình trực hệ bị ung thư đại tràng (tầm soát từ 10 năm trước so với tuổi của người trẻ nhất bị ung thư trong gia đình). 

- Điều trị một số tình trạng bệnh khác: loại bỏ dị vật vô tình nuốt phải như xương, vỏ thuốc, đồ chơi; cầm máu do loét, cắt bỏ polyp, cắt bỏ qua nội soi các tổn thương ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm chưa xâm lấn. 

III. Những lưu ý khi thực hiện nội soi tiêu hóa

     1. Nên làm gì trước khi nội soi tiêu hóa ?

• Tối trước ngày nội soi nên ăn đồ ăn dễ tiêu hóa. Nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi nội soi.

• Vào ngày nội soi, không uống các loại nước có màu như: cà phê, sữa, nước cam, nước uống có gas… Có thể uống nước lọc nhưng với một lượng vừa phải.

• Không hút thuốc.

• Không sử dụng các thuốc dạ dày (như Phosphalugel; Gastropulgite,…) hoặc thuốc viên than hoạt trước khi nội soi.

• Nếu dị ứng với các loại thuốc tê, thuốc gây mê hoặc dụng cụ y tế,… thì cần báo với bác sĩ trước khi tiến hành nội soi dạ dày.

Lưu ý: Với nội soi gây mê, cần một khoảng thời gian để tỉnh táo trở lại (thường là khoảng 30 phút).

    2. Sau nội soi tiêu hóa cần chú ý điều gì?

• Nghỉ ngơi tại phòng chờ một thời gian ngắn trước khi ra về.

• Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng có thể gây ra một số triệu chứng như: đau rát cổ họng , ho,… trong hoặc sau khi thực hiện và có thể gây buồn nôn do ống nội soi luồn sâu vào bên trong dạ dày. Tuy nhiên, cảm giác khó chịu này sẽ nhanh chóng biến mất không cần sử dụng thuốc.

• Nên ăn những thực phẩm dễ tiêu như: sữa tươi, cháo lỏng, canh/ soup,… và hạn chế đồ cay, nóng, đồ uống chứa chất kích thích để tránh phát sinh triệu chứng khó chịu.

• Nếu cảm thấy khó nuốt, nghẹn, có thể tạm ngừng ăn uống và nghỉ ngơi. Trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu bất thường, xuất hiện các triệu chứng như xuất huyết, đi ngoài phân đen, nôn ra máu,...cần báo ngay cho điều dưỡng hay bác sĩ hoặc nhanh chóng đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3