HOTLINE

Phẫu thuật kết hợp xương cánh tay cho cụ bà hơn 100 tuổi

Phẫu thuật cho người bệnh lớn tuổi luôn là thách thức đối với cả người bệnh và phẫu thuật viên. Tuy nhiên khi bị chấn thương, đối tượng này nên được phẫu thuật sớm vì nếu không cử động, nằm một chỗ lâu ngày dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, loét tì đè, thuyên tắc phổi.

 

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đã tiếp nhận cụ bà P.T.B (101 tuổi, ở tại Tiền Giang) trong tình trạng gãy xương cánh tay phải.

 

Người nhà cụ bà cho biết bà bị té va đập gây chấn thương vai, hạn chế vận động cánh tay phải được 1 tháng nay. Cho đến gần đây, cụ than đau chịu không nổi nên người nhà đưa cụ đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn. 

 

Hình ảnh xương cánh tay bị gãy trước khi phẫu thuật

 

Tình trạng khi nhập viện, cụ cho biết tay đau nhiều, mất vận động cánh tay phải. Qua thăm khám chụp X-quang và làm xét nghiệm, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình chẩn đoán cụ bà bị gãy xương đoạn ⅓ trên thân xương cánh tay phải và sau khi thăm khám cụ được  xử trí giảm đau, cố định nẹp cánh tay phải. 

 

BS.CKII Huỳnh Đặng Thanh Sơn - Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Kết quả chụp X-quang cho thấy phần xương của cụ bà gãy chéo vát và có di lệch. Với thể trạng già yếu hơn 100 tuổi, cùng bệnh lý tăng huyết áp vô căn sẵn có là các yếu tố gây khó khăn cho ca phẫu thuật, các nguy cơ như viêm phổi, thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi, loét tì đè, chảy máu trong mổ… là các vấn đề mà phẫu thuật viên phải đối mặt. Với trường hợp của cụ B. kết hợp xương bằng nẹp vít là phương pháp chúng tôi lựa chọn. 

 

Kết hợp xương là phương pháp điều trị gãy xương đang được áp dụng phổ biến hiện nay, kỹ thuật cố định hai đầu xương gãy sau khi được nắn chỉnh về tư thế giải phẫu bằng các thiết bị hiện đại. Trong phẫu thuật cần cố định xương vững chắc, ngay sau phẫu thuật người bệnh cần vận động sớm và phục hồi mức vận động như trước khi chấn thương để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra là mục tiêu quan trọng ở trường hợp này.

 

Tuổi cao làm tăng nguy cơ gặp biến chứng trong quá trình gây mê - hồi sức trước, trong và sau phẫu thuật, vì thế các bác sĩ cần điều trị ổn định và dự phòng kỹ trước khi cuộc phẫu thuật diễn ra. Qua thăm khám cẩn thận các bệnh lý hiện có, cùng sự phối hợp đồng bộ của bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nội khoa, bác sĩ gây mê, điều dưỡng, cụ B đã trải qua ca phẫu thuật kết hợp xương một cách thuận lợi chỉ trong 1 giờ, với đường rạch da nhỏ giúp giảm thiểu nguy cơ chảy máu trong phẫu thuật cũng như tổn thương phần mềm bên trong.

 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Đặng Thanh Sơn chụp cùng người bệnh sau phẫu thuật kết hợp xương cánh tay

 

Sau phẫu thuật, cụ bà tỉnh táo, bớt đau, sức khỏe hồi phục và xuất viện 5 ngày sau phẫu thuật. Kết quả chụp X-quang sau phẫu thuật cho thấy phần xương được kết hợp thành công. Người bệnh cũng được hướng dẫn tập vật lý trị liệu ngay ngày đầu sau mổ, thúc đẩy xương nhanh liền, giúp người bệnh vận động sớm. Gia đình người bệnh rất vui vì sức khỏe của cụ B. được hồi phục, người nhà chia sẻ việc được áp dụng bảo hiểm y tế cũng giúp gia đình đỡ băn khoăn khi lựa chọn điều trị thăm khám tại bệnh viện.  

 

Hình ảnh xương cánh tay sau phẫu thuật kết hợp xương

 

Nếu không được phẫu thuật thì tình trạng gãy xương ở người lớn tuổi sẽ gây nhiều biến chứng trong đó có việc loét nhiễm trùng vì nằm lâu, không sinh hoạt được. Bs Sơn khuyến cáo, những ông bà cụ lớn tuổi khi gặp chấn thương liên quan đến xương khớp, đặc biệt là gãy xương thì rất đau, chất lượng cuộc sống giảm. Do vậy cần can thiệp phẫu thuật sớm để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho các cụ tốt hơn.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

Chuyên gia

HUỲNH ĐẶNG THANH SƠN
BS.CKII
HUỲNH ĐẶNG THANH SƠN
Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình
  • share1
  • zalo
  • share3