HOTLINE

Phẫu thuật thành công lấy mảnh dị vật xuyên ngực trái găm thẳng vào lưng

Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết gần đây đã phẫu thuật thành công lấy 2 mảnh đầu viên đạn nằm trong cơ thể người bệnh.

Cách đây 1 tháng, anh A.L (47 tuổi) người dân tộc Xơ đăng trú tại Kon Tum bị trúng đạn từ ngực trái xuyên thẳng ra sau lưng và được phẫu thuật cấp cứu kịp thời tại địa phương nên đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, vài ngày trước vùng vết thương đau nhức, lan ra sau lưng, nghi biến chứng nên gia đình đã đưa anh nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

Phẫu thuật lấy mảnh dị vật

 

Sau khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã tiến hành chụp các hình ảnh cận lâm sàng,  đồng thời hội chẩn giữa các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình và khoa Chẩn đoán hình ảnh thống nhất chẩn đoán, có mảnh dị vật cản quang bằng kim loại vùng ống sống ngực bên trái. Ngay sau đó, anh L. được chỉ định phẫu thuật lấy dị vật tủy sống, ống sống.

 

Ekip các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình gồm BS.CKII Võ Văn Mẫn, BS.CKI Lê Văn Quỳnh đã phối hợp cùng các bác sĩ Gây mê hồi sức chuẩn bị kỹ lưỡng cho ca phẫu thuật, đặc biệt trong khâu định vị dị vật, vì chỉ cần lệch một chút viên đạn sẽ nằm ngoài phẫu trường, độ khó cuộc mổ sẽ tăng lên rất nhiều lần, do đó cần được được tiến hành tỉ mỉ và thận trọng.

 

Hình ảnh X-quang trước và sau phẫu thuật

 

BS.CKI Lê Văn Quỳnh - bác sĩ phẫu thuật và điều trị chính cho anh L. cho biết: Đây là ca phẫu thuật tương đối khó khăn do dị vật kích thước nhỏ, găm sâu vào lưng, len lỏi vào vị trí nguy hiểm vùng ngực. Đặc biệt, dị vật một phần nằm trong ống tủy, nguy cơ tổn thương tủy cao nên khi tiến hành, phẫu thuật viên phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ và khéo léo. Bên cạnh đó ekip đã lựa chọn kết hợp máy C-arm (X-quang trong mổ) để tìm chính xác vị trí dị vật nhằm loại bỏ và đảm bảo an toàn cho các tổ chức xung quanh. Nếu người bệnh không được phẫu thuật lấy dị vật kịp thời sẽ gây nhiễm trùng và tổn thương ống tủy nghiêm trọng. 

 

Sau 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã lấy thành công 2 mảnh dị vật. Sau phẫu thuật, người bệnh được chăm sóc, theo dõi sau mổ tại khoa Chấn thương chỉnh hình, sức khỏe phục hồi tốt, không còn đau vùng tổn thương. Sau 2 ngày nằm viện, người bệnh được xuất viện. 

 

Trong những trường hợp dị vật không gây biến chứng, người bệnh có thể “sống chung với dị vật” nhưng cần tuân thủ tư vấn của bác sĩ, cân nhắc từng trường hợp cụ thể để quyết định có nên phẫu thuật lấy dị vật hay không. Đối với những trường hợp dị vật gây biến chứng: đau nhức, chảy máu thì chỉ định phẫu thuật bắt buộc, giải quyết biến chứng và lấy dị vật ra. Dị vật càng nhỏ hoặc nằm sâu, gần các cơ quan quan trọng thì khả năng lấy ra khó và dễ gây tổn thương cơ quan lân cận. BS Quỳnh chia sẻ thêm về phẫu thuật lấy dị vật ra ngoài cơ thể. 

 

Việc phát hiện, tìm gắp các dị vật cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, tự xử lý vết thương do dị vật mà nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, tránh các tổn thương, nhiễm trùng nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế  Bảo hiểm sức khỏe.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

Chuyên gia

VÕ VĂN MẪN
BS.CKII
VÕ VĂN MẪN
Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh Hình
LÊ VĂN QUỲNH
BS.CKI
LÊ VĂN QUỲNH
Bác sĩ khoa Chấn Thương Chỉnh Hình
  • share1
  • zalo
  • share3