HOTLINE

PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ LOÃNG XƯƠNG

Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hoá của xương dẫn đến suy giảm sức mạnh (khối lượng và chất lượng) của xương, tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh làm cho xương trở nên giòn, dễ gãy dù chỉ gặp những chấn thương rất nhẹ. Loãng xương có thể dẫn đến tê mỏi tay chân, đau nhức, ê buốt, thoái hóa khớp… 

 

Theo dự báo, đến năm 2030 sẽ có khoảng hơn 4,5 triệu người bị loãng xương và độ tuổi bị loãng xương ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Phòng và điều trị loãng xương qua chia sẻ của BS.CKII Võ Văn Mẫn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

 

Loãng xương là bệnh lý diễn tiến trong âm thầm và thông thường, người bệnh chỉ phát hiện mình bị loãng xương khi đã gãy xương. Do đó, việc phòng ngừa và điều trị (khi đã mắc bệnh) đóng vai trò rất quan trọng.

 

Điều trị bệnh loãng xương

Có ba nhóm điều trị chính:

 

1. Điều trị không dùng thuốc

Người bệnh cần có một chế độ sinh hoạt hợp lý, dinh dưỡng lành mạnh và tập luyện đầy đủ, có thể giúp giảm nguy cơ phát triển loãng xương hoặc gãy xương.

 

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng tốt cho bệnh nhân loãng xương với đầy đủ canxi và vitamin D sẽ tạo ra nguyên liệu tái tạo xương, tăng cường sự bền chắc cho xương. Những khoáng chất này có trong thức ăn như sữa và các chế phẩm từ sữa, rau lá xanh, hạt óc chó, cá hồi, hải sản…

Cần hạn chế những thực phẩm có hại như: Thức uống có ga, cà phê, rượu bia và các chất kích thích khác; hạn chế thức ăn nhanh, chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp…

 

Sinh hoạt, vận động

Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ xương khớp, nẹp chỉnh hình… để giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.

Tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng không chỉ là một biện pháp hấp thu vitamin D hiệu quả mà còn tăng cường sự chắc khỏe của xương, dẻo dai của cơ bắp

Tập luyện với cường độ vừa phải, tùy theo lứa tuổi và mức độ loãng xương.

Các bài tập được đề nghị như: đi bộ, chạy bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ…

 

2. Thuốc trị loãng xương

Đa số các loại thuốc điều trị loãng xương hoạt động bằng cách ức chế quá trình hủy xương. Một số thuốc khác lại kích thích quá trình tạo xương. Những cơ chế này giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương. 

Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị, bao gồm:

1. Bisphosphonates

2. Denosumab

3. Strontium ranelate

4. Deca – Durabolin và durabolin

5. Teriparatide, abaloparatide, romosozumab.

 

3. Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone hay còn gọi là liệu pháp thay thế estrogen (ERT) thường được khuyên dùng cho phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương, để ngăn ngừa mất xương và giảm nguy cơ gãy xương. Nội tiết tố estrogen cũng giúp ngăn ngừa bệnh tim, cải thiện chức năng nhận thức và tiết niệu.

 

Những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương (đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh) sẽ được chỉ định dùng raloxifene. Đây là một chất điều hoà chọn lọc thụ thể estrogen, có tác dụng mang lại những lợi ích cho việc gia tăng mật độ xương giống như estrogen.

 

Ở nam giới, loãng xương có thể liên quan đến sự suy giảm mức độ testosterone theo thời gian. Lúc này, liệu pháp hormone giúp cải thiện các triệu chứng testosterone thấp. Trong điều trị loãng xương ở nam giới, các bác sĩ thường chỉ định phối hợp liệu pháp hormone với các phương pháp điều trị khác.

 

Biện pháp phòng ngừa nguy cơ loãng xương

Loãng xương là một bệnh lý khó điều trị nhưng có thể phòng ngừa loãng xương nhờ vào thói quen sống lành mạnh như:

  • Uống nhiều nước và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo cung cấp cho cơ thể từ 1.000 – 1.500mg canxi và 800 -1000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày.
  • Không hút thuốc lá vì nicotine trong thuốc lá làm tăng tỷ lệ mất xương và nguy cơ gãy xương.
  • Thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng điều trị những bệnh lý khác, đặc biệt là các thuốc làm tăng nguy cơ loãng xương như corticoid…
  • Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải giúp tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai của hệ cơ xương khớp.
  • Phòng ngừa té ngã bằng cách: Mang giày dép chống trượt, sử dụng thảm chống trượt, dùng dụng cụ hỗ trợ đi lại nếu cần thiết; lắp đặt tay vịn trong phòng tắm, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sáng sủa…
  • Chú ý đến chiều cao. Việc giảm chiều cao có thể là dấu hiệu đầu tiên của biến chứng lún đốt sống.
  • Đo mật độ xương định kỳ mỗi 2 năm ở phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi để phát hiện sớm các dấu hiệu loãng xương.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3