HOTLINE

RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Bạn từng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đến nỗi không thể đứng vững? Đó có thể là dấu hiệu của rối loạn tiền đình - một căn bệnh ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người.

 

 

Cùng tìm hiểu về căn bệnh này, từ nguyên nhân, triệu chứng đến phương pháp điều trị và phòng ngừa qua bài viết sau. 

 

Rối loạn tiền đình là bệnh gì?

Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thăng bằng cho cơ thể. Khi tiền đình bị tổn thương, các tín hiệu truyền đến não bị rối loạn, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng. Nguyên nhân có thể do dây thần kinh số VIII bị tổn thương hoặc các tín hiệu thần kinh truyền đến não bị gián đoạn hoặc các vấn đề về mạch máu cung cấp cho tai trong và não.

 

Tiền đình đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thăng bằng cho cơ thể. Khi tiền đình bị tổn thương, các tín hiệu truyền đến não bị rối loạn, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng.

 

Rối loạn tiền đình có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, từ các vấn đề nhẹ nhàng đến nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc nhận diện và chẩn đoán đúng bệnh là rất quan trọng để có phương pháp điều trị phù hợp.

 

Phân loại và triệu chứng của rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình được chia thành hai loại chính dựa trên vị trí tổn thương: rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương.

 

  • Rối loạn tiền đình ngoại biên

Rối loạn tiền đình ngoại biên thường liên quan đến các vấn đề ở tai trong, nơi chứa các cơ quan giúp duy trì thăng bằng. Người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt dữ dội, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế nhưng vẫn khá tỉnh táo khi di chuyển và có thể kèm theo buồn nôn. Đa phần người bệnh thường mắc nhóm bệnh này. 

 

  • Rối loạn tiền đình trung ương

Rối loạn tiền đình trung ương thường liên quan đến các vấn đề ở não bộ hoặc hệ thần kinh trung ương. Ngoài chóng mặt và mất thăng bằng, người bệnh còn có thể gặp khó khăn trong việc khó đi lại, yếu cơ, nói đớ, nhìn đôi và thậm chí là mất ý thức.

 

Dấu hiệu rối loạn tiền đình

Tùy thuộc vào phân loại hội chứng tiền đình ngoại biên hay hội chứng tiền đình trung ương mà người bệnh sẽ có những biểu hiệu khác nhau.

  • Hội chứng tiền đình ngoại biên

Các triệu chứng của hội chứng tiền đình ngoại biên thường xuất hiện đột ngột và dữ dội, có thể kéo dài từ vài giây đến vài ngày bao gồm:

Chóng mặt: Cảm giác như bản thân hoặc mọi thứ xung quanh đang quay, chao đảo.

Mất thăng bằng: Khó khăn khi thay đổi tư thế di chuyển hoặc đứng thẳng.

Nôn ói: Buồn nôn và nôn, thường đi kèm với chóng mặt.

Ù tai: Khi người bệnh có dấu hiệu ù tai phải đến khám sớm và điều trị tích cực. Nếu điều trị muộn, có thể để lại di chứng giảm thính lực (giảm sức nghe), hoặc điếc, có tiếng ve kêu, dế kêu... trong tai, đặc biệt về đêm.

 

Chóng mặt là biểu hiện thường gặp của rối loạn tiền đình

 

  • Hội chứng tiền đình trung ương

Dạng rối loạn này nghiêm trọng hơn với các triệu chứng xuất hiện từ từ và kéo dài hơn. 

Các dấu hiệu bao gồm:

Chóng mặt, cảm giác mất định hướng không gian.

Mờ mắt, khó tập trung nhìn vào một điểm.

Mắt bị rung giật nhiều hướng, đặc biệt là mắt bị rung giật theo chiều dọc, không nhìn cố định vào một điểm được.

Khó nói.

Yếu cơ, đặc biệt là ở một bên cơ thể.

Dáng đi như người say rượu, người bệnh thường không đi theo một đường thẳng, hay đi hình ziczac.

 

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình là gì?

Nguyên nhân tiền đình ngoại biên

  • Sỏi tiền đình (hay sỏi tai): Đây là những tinh thể canxi cacbonat có kích thước từ 1 – 30 micromet, nằm ở khu vực tai trong của mỗi người. Khi các hạt canxi cacbonat (otoconia) di chuyển và mắc kẹt tại ống bán khuyên gây ra chóng mặt tư thế kịch phát, đây là nguyên nhân rối loạn tiền đình thường gặp nhất.
  • Viêm thần kinh tiền đình: Do nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
  • Bệnh Meniere (là một bệnh lý tai trong tương đối hiếm gặp): Bệnh Meniere được xem là một rối loạn tiền đình với các triệu chứng như chóng mặt, ù tai (tiếng chuông, tiếng vo ve hoặc tiếng gầm rú trong tai), giảm hoặc mất thính lực. 
  • Chấn thương tai: Do tai nạn, va đập mạnh.
  • U thần kinh thính giác: Khối u phát triển trong tai trong.
  • Viêm tai giữa do nhiễm virus hoặc vi khuẩn.

 

Nguyên nhân tiền đình trung ương

  • Đột quỵ nhồi máu hoặc xuất huyết vùng thân não, tiểu não.
  • U não.
  • Chấn thương sọ não sau té ngã, tai nạn giao thông.
  • Viêm màng não.

 

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn tiền đình

  • Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ cao hơn người trẻ tuổi.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc giảm đau có thể gây ra tác dụng phụ là chóng mặt.
  • Uống quá nhiều rượu bia.
  • Căng thẳng, mệt mỏi, áp lực kéo dài gây tổn thương hệ thần kinh.

 

Căng thẳng, mệt mỏi, áp lực kéo dài là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tiền đình

 

Chẩn đoán rối loạn tiền đình

Để chẩn đoán chính xác rối loạn tiền đình, bác sĩ sẽ tiến hành:

Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh, thực hiện các test về thần kinh để kiểm tra tiền đình, thăng bằng.

Thực hiện một số cận lâm sàng:

  • Kiểm tra thính lực: Qua kết quả đo thính lực có thể biết được chức năng dẫn truyền và tiếp nhận của tai, cho phép đánh giá gián tiếp hoạt động của tai trong. 
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đánh giá các tổn thương ở não và tai trong. MRI não có thể phát hiện các khối u, các bất thường mạch máu và sự bất thường về mô mềm khác có thể gây chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Đánh giá cấu trúc xương sọ và tai trong.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra các vấn đề về tai trong.

 

Chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá các tổn thương ở não và tai trong giúp tìm nguyên nhân gây bệnh

 

Các phương pháp điều trị bệnh rối loạn tiền đình hiệu quả

Điều trị bệnh rối loạn tiền đình thường bao gồm các phương pháp sau:

  • Điều trị bằng thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn hoặc đau đầu.
  • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện khả năng thăng bằng của người bệnh.
  • Phẫu thuật: Nếu các điều trị trên không hiệu quả, phẫu thuật tai trong thường là phương án cuối cùng để điều trị rối loạn tiền đình. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà sau khi thăm khám, người bệnh sẽ được bác sĩ chọn lựa phương pháp phẫu thuật thích hợp sao cho tối ưu hiệu quả hồi phục chức năng của tai trong.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống giúp hạn chế hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh rối loạn tiền đình ngay tại nhà cụ thể như:

  • Thay đổi lối sống: Người bệnh có thể cần thay đổi lối sống để tránh các yếu tố gây ra rối loạn tiền đình, chẳng hạn như tránh các hoạt động gây ra chấn thương đầu hoặc cổ.

 

Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường lưu thông khí huyết, giúp quá trình tuần hoàn máu não ổn định hơn

 

  • Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường lưu thông khí huyết, giúp quá trình tuần hoàn máu não ổn định hơn. Đồng thời giảm bớt áp lực, căng thẳng cho người bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý tránh những động tác xoay chuyển đầu, cúi ngược đầu vì có thể gây chóng mặt. 
  • Hạn chế các tác nhân gây chóng mặt: Hạn chế đọc sách, sử dụng điện thoại hay làm việc trên máy tính khi đang di chuyển bằng xe ô tô, xe buýt hoặc tàu lửa. Khi xuất hiện chóng mặt cần nằm xuống và hít thở đều, có thể nhắm mắt lại để giảm kích thích của ánh sáng.

 

Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và can thiệp kịp thời, phòng ngừa những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não.

Rối loạn tiền đình là một tình trạng phức tạp và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm và gây đột quỵ. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp các dấu hiệu như chóng mặt, buồn nôn, ù tai, hãy đến khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

Nguồn tài liệu tham khảo: 

 

 

  1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/vestibular-disorders

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3