Trong lần sang Singapore truyền thuốc điều trị ung thư thận, bà C.T.N (1966) bị ngã gãy xương bánh chè gối phải nghiêm trọng. Sau khi được sơ cứu và nẹp bột tại Singapore, bà N. nhanh chóng trở về Việt Nam để tiếp tục điều trị.
Đang mệt mỏi, loay hoay tại một bệnh viện ở Singapore để truyền thuốc điều trị ung thư thận, bà N (59 tuổi) bị trượt chân ngã đập đầu gối xuống sàn bệnh viện. Cú va đập mạnh khiến đầu gối phải của bà bị chấn thương nghiêm trọng.
Bà N nhanh chóng được sơ cứu, nẹp bột tạm thời để cố định khớp gối. Lúc này bà rất suy sụp, vì mong muốn của bà là nhanh chóng truyền thuốc điều trị ung thư và về Việt Nam càng sớm càng tốt, thay vì ở lại xứ người. “Do bệnh tật, tôi mới phải lủi thủi ra nước ngoài trị bệnh. Mỗi lần truyền thuốc xong, dù rất mệt và khó đi lại, nhưng tôi vẫn cố bay về Việt Nam để nghỉ ngơi với gia đình. Giờ gãy chân phải nằm viện một chỗ ở nước ngoài, không được về nhà thì buồn lắm”, bà kể lại. Vì vậy, gia đình và bà quyết định liên hệ với Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn để được về Việt Nam điều trị.
Nhận được các chẩn đoán hình ảnh gửi về từ Singapore, BS.CKII Huỳnh Đặng Thanh Sơn – Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, đầu gối của bà N. bị đa chấn thương rất phức tạp: Gãy nát xương bánh chè với nhiều mảnh xương rời, rách bán phần dây chằng chéo trước, rách sụn chêm trong, tụ dịch khớp gối. “Nếu không được mổ sớm để kết hợp lại xương bánh chè và cố định khớp gối, bà N. có thể bị cứng khớp, teo cơ, thậm chí mất luôn khả năng đi lại.” bác sĩ Sơn cho biết thêm.
Bác sĩ Sơn khuyên gia đình nên sớm đưa bà N. về Việt Nam để phẫu thuật. Theo bác sĩ, việc điều trị kịp thời sẽ giúp tránh các biến chứng yếu liệt chi dưới hoặc phù nề khớp gối kéo dài, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bà. Ở độ tuổi 59 cùng tiền sử ung thư thận đang điều trị, hệ miễn dịch của bà N đã suy giảm, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu chấn thương không được xử lý nhanh chóng. Bệnh viện sẽ hỗ trợ tiếp nhận bà ngay khi nhập viện và tiến hành phẫu thuật trong thời gian sớm nhất để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Ekip phẫu thuật khoa Chấn thương chỉnh hình phẫu thuật gãy xương bánh chè
Theo đó, buổi tối cùng ngày bị tai nạn, bà N. được đội ngũ y tế của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn tiếp nhận trong tình trạng cấp cứu ngay tại sân bay. Ngày kế tiếp, bà được đưa vào phòng mổ. Bằng phương pháp phẫu thuật kết hợp xương bánh chè, bác sĩ Sơn cùng ekip phẫu thuật đã tỉ mỉ thay thế và nắn chỉnh lại phần xương bánh chè bị tổn thương, đồng thời cố định khớp gối cho bà N. Chỉ hai ngày sau phẫu thuật, bà vui mừng khi được xuất viện ra về cùng gia đình với “vết mổ lành”, không xảy ra biến chứng trong và sau phẫu thuật.
Kết quả kiểm tra sau 1 tháng tái khám cho thấy xương bánh chè gối phải của bà N. đã liền tốt, chức năng vận động của chân phải gần như bình thường. Bà cho biết: “Khớp gối của tôi đã có thể co duỗi tốt hơn trước, tôi đang tập vật lý trị liệu theo chương trình của các bác sĩ. Hi vọng có thể phục hồi sớm và tiếp tục quá trình điều trị ung thư thận.”
Người bệnh sau khi tái khám cùng bác sĩ Huỳnh Đặng Thanh Sơn
Theo BS.CKII Huỳnh Đặng Thanh Sơn, thời gian phục hồi đối với loại chấn thương gãy xương bánh chè này thường kéo dài từ 3-6 tháng, tùy thuộc vào mức độ gãy, phương pháp điều trị và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, người bị gãy xương bánh chè cần kiên trì thực hiện phục hồi chức năng để lấy lại khả năng vận động bình thường.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.
Cảm ơn các báo đã đưa tin đến bạn đọc: Báo Dân trí, Báo Phụ nữ Việt Nam.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn