HOTLINE

THOÁT VỊ BẸN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Mơ hồ khi nghe đến "Thoát vị bẹn" có lẽ là tình trạng chung ở nhiều người vì dường như căn bệnh này không phổ biến trong nhận thức về bệnh tật của đại đa số mọi người.

 

Vì thế không nhiều người biết rằng, căn bệnh này lại tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng.

 

 

Bài viết được tham vấn chuyên môn từ ThS.BS.CKI Mai Văn Dũng - khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

Thoát vị bẹn là gì? 

Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng hoặc một cơ quan trong ổ bụng bị trồi ra bên ngoài thông qua vị trí bị suy yếu (vùng cân mạc bị suy yếu) của vùng bẹn. Thông thường có 2 vị trí dễ gặp tình trạng này là: 

Thoát vị qua lỗ bẹn sâu - Thoát vị bẹn gián tiếp

Thoát vị qua tam giác bẹn Hesselbach - Thoát vị bẹn trực tiếp

 

Triệu chứng thoát vị bẹn: 

Xuất hiện khối phồng vùng bẹn: lúc đầu khối phồng xuất hiện khi làm nặng, chạy nhảy, khi rặn hay ho và tự biến mất; nhiều tháng sau khối phồng to dần, xuất hiện dễ khi đứng, mất khi nằm hoặc lấy tay đè ép.

 

Yếu tố nguy cơ của thoát vị bẹn:

Chia sẻ về những trường hợp dễ mắc thoát vị bẹn, ThS.BS.CKI Mai Văn Dũng cho biết: Thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, càng lớn tuổi khả năng mắc bệnh càng tăng. Một số yếu tố như táo bón kinh niên, tiểu khó do bướu lành tuyến tiền liệt, ho kéo dài làm tăng áp lực ổ bụng trong thời gian dài... làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn. 

 

 

Ngoài ra còn có các yếu tố đáng quan tâm như: 

  • Tiền sử gia đình có người bị thoát vị bẹn
  • Đã phẫu thuật bụng trước đó
  • Phụ nữ có thai
  • Cổ trướng, khối u lớn trong ổ bụng

Tuy nhiên trong một số trường hợp các tạng có thể tự co trở lại ổ bụng, cũng có những trường hợp các tạng bị tắc nghẽn (chủ yếu là ruột) gây nên triệu chứng tắc ruột, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân và nguy cơ phải cắt bỏ tạng bị hoại tử.

 

Nguyên nhân gây thoát vị bẹn:

Nguyên nhân mắc phải: người lớn tuổi thường bị thoát vị bẹn trực tiếp vì các cân cơ ở thành bụng yếu đi khi về già, bệnh lý làm mất collagen (Hội chứng Ehler Danlos), suy dinh dưỡng hoặc béo phì, vết mổ/vết thương vùng bẹn... 

Nguyên nhân bẩm sinh: bệnh lý tồn tại ống phúc tinh mạc ở nam giới.

 

 

Thoát vị bẹn chẩn đoán như thế nào? 

Triệu chứng lâm sàng: Thường được phát hiện khi bệnh nhân nhận thấy có khối phồng ở bẹn mà trước đó không có triệu chứng, có thể tình cờ được chẩn đoán khi khám sức khỏe.

Một số ít bệnh nhân cảm thấy đau kèm theo có khối phồng ra ở bẹn khi nâng vật nặng hoặc khi rặn.

Triệu chứng đặc hiệu của thoát vị bẹn: Nhìn hoặc sờ thấy khối phồng vùng bẹn khi bệnh nhân đứng hoặc khi ho, rặn; Khi nằm, hoặc dùng tay đẩy thì khối phồng này biến mất. 

 

Cận lâm sàng:

Siêu âm phần mềm vùng bẹn bìu: Thường được sử dụng, độ nhạy và đặc hiệu cao trong chẩn đoán thoát bị bẹn không nghẹt và có nghẹt. Phân biệt với các bệnh lý: tràn dịch tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn lạc chỗ…

Siêu âm Doppler: phân biệt với xoắn tinh hoàn, phình động mạch hay giả phình động mạch

Chụp CT-scan/MRI: ít dùng, được dùng trong một số trường hợp khối thoát vị có liên quan đến bàng quang.

 

Điều trị thoát vị bẹn: 

Hiện nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính cho bệnh thoát vị bẹn, mang lại hiệu quả cao. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi tùy vào từng trường hợp cụ thể. 

Các phương pháp phẫu thuật tối ưu hiện nay: mổ mở - phương pháp Lichtenstein, phẫu thuật nội soi (TEP/TAPP)

Mổ mở - phương pháp Lichtenstein: Có thể dùng mô tự thân hoặc dùng mảnh ghép để phục hồi lại thành bẹn. Hiện nay kỹ thuật Lichtenstein (đặt một mảnh ghép tăng cường thành sau ống bẹn) được thực hiện với hiệu quả cao, tỷ lệ tái phát rất thấp.. 

Phẫu thuật nội soi: được đánh giá cao nhờ ưu điểm ít xâm lấn, sẹo mổ nhỏ và mau phục hồi sau phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi phụ thuộc nhiều vào trang thiết bị và tay nghề phẫu thuật viên, do đó người bệnh cần tìm đến các bệnh viện uy tín, trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho quá trình phẫu thuật và hồi phục sau mổ.

 

Phòng ngừa thoát vị bẹn: 

Để phòng ngừa thoát vị bẹn, BS Dũng đưa ra những lời khuyên: 

  • Hạn chế những nguyên nhân gây áp lực lên ổ bụng.
  • Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả để ngăn ngừa tình trạng táo bón
  • Cần giảm cân và tập thể dục thường xuyên đối với người béo phì
  • Đối với trường hợp có dấu hiệu tiểu khó hoặc đi ngoài khó cần thăm khám sớm để điều trị kịp thời
  • Đối với người thường xuyên hút thuốc lá cần phải tầm soát bệnh lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) 

 

 

Chúng ta nên tạo thói quen tầm soát sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý nếu có.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tếBảo hiểm sức khỏe.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

Chuyên gia

MAI VĂN DŨNG
ThS.BS.CKI
MAI VĂN DŨNG
Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng Hợp
  • share1
  • zalo
  • share3