Hệ thống xoang bao gồm: Xoang sàng, xoang hàm, xoang trán và xoang bướm. Vị trí các hốc xoang hàm nằm ở hai bên gò má, quanh mắt và các lớp niêm mạc phủ lên bề mặt của xoang. Tình trạng viêm xoang hàm là do lớp niêm mạc nằm trong xoang bị vi khuẩn tấn công, dẫn đến phù nề, viêm nhiễm.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKII Lê Nhật Vinh - Phụ trách Liên chuyên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt - Da Liễu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.
Đối tượng có nguy cơ cao bị viêm xoang hàm
- Người có cấu trúc xoang hàm bị lệch vì các lý do khác nhau như bẩm sinh hoặc biến dạng sau phẫu thuật.
- Người đã thực hiện phẫu thuật khoang miệng hoặc nhổ răng, có dị vật rơi vào hoặc bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật.
- Người bị viêm răng miệng, sâu răng không điều trị hoặc điều trị chưa triệt để.
- Người mắc viêm mũi dị ứng hoặc từng bị viêm xoang hàm nhưng không điều trị dứt điểm.
Nguyên nhân gây viêm xoang hàm
Bệnh viêm xoang hàm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm:
- Thời tiết, môi trường thay đổi.
- Viêm mũi dị ứng.
- Các bệnh về răng miệng.
- Các chấn thương do phẫu thuật hoặc tai nạn.
- Vi khuẩn và virus từ môi trường tấn công.
- Bất thường cấu trúc vùng mũi như vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi làm bít tắc đường dẫn lưu của xoang hàm.
Phương pháp chẩn đoán viêm xoang hàm
Phụ thuộc vào tình trạng viêm nhiễm của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp chẩn đoán gồm có:
- Nội soi mũi: đầu dò có gắn camera sẽ được sử dụng để thâm nhập vào vùng mũi, giúp các bác sĩ có thể quan sát được bên trong mũi và đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh.
- Chụp X-quang: người bệnh sẽ được tư vấn chụp X-quang để các bác sĩ có thể quan sát cụ thể các hốc xoang dựa trên kết quả chụp. Tình trạng hốc mũi, xoang hàm và xoang trán có thể được xác định khi sử dụng phương pháp chẩn đoán phổ biến này.
- Cấy mẫu dịch mũi và xoang: phương pháp này yêu cầu mẫu thu thập thông qua quá trình nội soi xoang để có thể cấy vi khuẩn chính xác. Tuy nhiên, cấy vi khuẩn phần dịch mủ chảy trong mũi được cho là không đủ nên phương pháp này ít được bác sĩ chỉ định. Người bệnh có hệ miễn dịch suy giảm, nhiễm khuẩn hoặc không hiệu quả trong điều trị kháng sinh thì phương pháp cấy vi khuẩn này mới được thực hiện.
Biến chứng của bệnh viêm xoang hàm
Biến chứng của bệnh có thể đe dọa tính mạng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi không được điều trị kịp thời, bao gồm:
- Ảnh hưởng đến xương, gây ra các cơn đau: cảm giác đau nhức, tê mỏi ở xương hốc mắt gần xoang hàm do quá trình lưu thông máu ở các vị trí bị tắc nghẽn. Người bệnh sẽ thấy đau ở khu vực xương đỉnh đầu, xương thái dương, xương trán.
- Đường hô hấp: Các cơ quan trong đường hô hấp có thể bị ảnh hưởng khi tình trạng viêm nhiễm lan ra các khu vực khác và gây nên những biến chứng như: viêm đường hô hấp dưới, viêm họng mãn tính, viêm thanh quản, viêm tai giữa.
- Nội sọ: hộp sọ của người bệnh có thể bị viêm nhiễm khi vi khuẩn lây lan do điều trị không kịp thời hoặc sai cách dẫn đến áp xe màng não, viêm tắc tĩnh mạch xương, viêm màng não, viêm não.
- Mắt: vi khuẩn đi theo mạch máu đến mắt gây ra áp xe túi lệ, viêm mô liên kết quanh hốc mắt, áp xe mí mắt do tình trạng viêm nhiễm ở các hốc xoang.
Người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Điều trị viêm xoang hàm
Các bác sĩ thường sẽ kê một số loại thuốc cần thiết để điều trị tình trạng viêm nhiễm. Tùy theo tình trạng và nguyên nhân gây ra viêm xoang hàm mà thuốc kháng sinh, thuốc dị ứng, thuốc giảm đau và thuốc chống phù nề sẽ được chỉ định.
Ngoài ra, phẫu thuật cắt polyp mũi, đưa dung dịch thuốc vào các hốc xoang, chỉnh hình vách ngăn, súc rửa khoang Proetz, chọc xoang hàm rút mủ có thể được bác sĩ tư vấn nếu tình trạng viêm của người bệnh nặng. Người bệnh cũng có thể phải nhổ răng nếu như các vấn đề về răng gây ra viêm xoang hàm.
Các cách phòng tránh viêm xoang hàm
Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau đây để phòng tránh bệnh viêm xoang hàm:
- Có chế độ sinh hoạt lành mạnh kết hợp tập thể dục thường xuyên.
- Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng bao gồm rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu acid béo, vitamin, kẽm, omega.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm quá lạnh hoặc cay nóng ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp và miệng.
- Thăm khám tại các cơ sở y tế khi các dấu hiệu của bệnh để được tư vấn điều trị phù hợp.
- Sử dụng thuốc theo đúng lộ trình, liều lượng bác sĩ đã kê đơn để đảm bảo tính hiệu quả của thuốc trong điều trị bệnh.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích, không hút thuốc và tránh môi trường ô nhiễm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn