HOTLINE

Tổng quan về viêm đa xoang

Xoang là các hốc rỗng tập trung trong xương của hộp sọ, gồm có các xoang: sàng, hàm, trán, bướm. Bên trong bề mặt của lòng xoang là các lớp niêm mạc. Tình trạng viêm đa xoang là do các lớp niêm mạc bị sưng viêm và nhiễm trùng từ hai xoang trở lên. Dấu hiệu của bệnh cũng tương tự như viêm xoang thông thường nhưng triệu chứng rõ ràng hơn, diễn biến nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKII Lê Nhật Vinh - Phụ trách Liên chuyên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt - Da Liễu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

 

Nguyên nhân viêm đa xoang

Viêm đa xoang được chia thành viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính với các nguyên nhân gây bệnh khác nhau.

  • Viêm xoang cấp tính thường do các loại virus như cúm, rhinovirus và parainfluenza. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn cũng gây ra viêm đa xoang cấp tính có thể kể đến như: Haemophilus influenzae, phế cầu, tụ cầu, vi khuẩn kỵ khí, Moraxella catarrhalis. Người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh như HIV, đái tháo đường, bệnh ung thư… thường có khả năng bị viêm đa xoang do nấm.
  • Viêm xoang mạn tính thường có nhiều yếu tố bệnh sinh bao gồm: hen suyễn, hút thuốc lá, viêm mũi dị ứng, cấu trúc vùng mũi xoang bất thường, chức năng lông chuyển niêm mạc mũi xoang và răng miệng bị nhiễm trùng.

Các nguyên nhân khác dẫn đến viêm đa xoang bao gồm:

  • Vệ sinh không sạch sẽ: Các vật dụng cá nhân thường dùng có thể chứa vi khuẩn gây viêm xoang, từ đó xâm nhập vào cơ thể người qua các hành động vệ sinh và lau mũi.
  • Cơ địa người bệnh: Phù nề niêm mạc mũi, tắc nghẽn lỗ thông xoang có thể xuất hiện ở người bị dị ứng, hen suyễn và dẫn đến nhiễm trùng, viêm xoang nhưng không phải người bệnh nào cũng mắc bệnh viêm đa xoang.
  • Sức đề kháng kém: Nguy cơ viêm đa xoang và viêm các bộ phận khác tăng cao ở những người có sức đề kháng kém, đồng thời bệnh sẽ trở nặng và khó điều trị nên yêu cầu chăm sóc y tế cẩn thận hơn.
  • Môi trường sống bị ô nhiễm: Môi trường sống ô nhiễm thường đi kèm nhiều tác nhân gây dị ứng khác nhau và vi khuẩn gây bệnh. Do đó, người bệnh có thể bị viêm xoang sau khi vi khuẩn xâm nhập.

 

 

Dấu hiệu bệnh viêm đa xoang

Người bệnh có thể gặp các dấu hiệu sau khi bị viêm đa xoang:

  • Sốt
  • Khả năng ngửi và nếm mùi vị suy giảm
  • Cơ thể đau nhức
  • Áp lực vùng mũi, má và quanh mắt
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Dịch viêm gây hôi miệng
  • Ho
  • Đau răng, đau họng, đau hàm

Trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày, viêm đa xoang cấp tính có thể thuyên giảm nếu được chăm sóc và điều trị tốt. Bệnh có thể tái phát nếu yếu tố nguy cơ và nguyên nhân không được xử lý.

 

 

Chẩn đoán viêm đa xoang

Khi thăm khám tại các cơ sở y tế, nếu có hai trong bốn triệu chứng bao gồm nghẹt mũi, mất khứu giác, nhức đầu, chảy mũi; người bệnh có thể được chẩn đoán bị viêm xoang.

Triệu chứng lâm sàng của viêm đa xoang cấp tính thường rõ ràng cùng với các dấu hiệu toàn thân bao gồm: chán ăn, sốt, mệt, ớn lạnh… Bác sĩ cũng dựa vào vị trí và vùng đau đầu, mặt để xác định xem xoang nào đang bị viêm nhiễm. Người bệnh đau vùng má và đau răng có khả năng viêm xoang hàm, trong khi đau vùng trước trán có thể là dấu hiệu của viêm xoang trán. Viêm xoang bướm khiến người bệnh đau vùng chẩm sau đầu và cổ gáy, còn triệu chứng đau mơ hồ có thể là viêm xoang sàng do xoang nằm sâu trong hốc sọ và trải dài từ trước ra sau.

Bác sĩ có thể chỉ định chụp CT, MRI để xác định xem người bệnh có bị viêm đa xoang hay không. Ngoài ra, phương pháp nội soi cũng có thể được tư vấn để xác định các tình trạng sung huyết, phù nề niêm mạc hoặc polyp mũi để kiểm tra xem liệu người bệnh có bị viêm đa xoang cấp tính.

 

 

Phương pháp điều trị viêm đa xoang

Các phương pháp điều trị viêm đa xoang sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo tình trạng bệnh. Các loại thuốc kháng sinh, kháng dị ứng, kháng viêm và thuốc giảm triệu chứng có thể được tư vấn cho người bệnh. Bác sĩ sẽ khuyến khích người bệnh bổ sung nước và xịt mũi để làm loãng dịch nhầy và nhắc người bệnh hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như thuốc lá, không khí lạnh, không khí ô nhiễm… Việc thông rửa xoang sẽ được bác sĩ tư vấn để loại bỏ mủ trong xoang. Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch có thể giúp cho người bệnh cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng. Người bệnh cũng nên nghỉ ngơi tại nhà, chườm khăn ấm, thư giãn, rửa mũi nước muối…

Nếu điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị được chỉ định. Cấu trúc mũi bất thường gây ra tình trạng tắc nghẽn như phì đại cuống mũi và vẹo vách ngăn sẽ được loại bỏ.

 

 

Biện pháp phòng ngừa

Người bệnh có thể thực hiện các phương pháp sau để phòng ngừa viêm đa xoang:

  • Rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
  • Giữ ấm cơ thể, tai mũi họng.
  • Tiêm đầy đủ vắc xin phòng cúm.
  • Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ dưỡng chất.
  • Đi khám khi có dấu hiệu bệnh và kiểm tra định kỳ để được tư vấn điều trị phù hợp.

 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3