HOTLINE

U túi mật có nguy hiểm không?

U túi mật là một dạng của polyp túi mật hay còn gọi là u nhú trên bề mặt niêm mạc tuyến túi mật. Đa số trường hợp u túi mật là lành tính, mặc dù rất hiếm trường hợp u túi mật lành tính phát triển thành ung thư nhưng không thể loại trừ khả năng này xảy ra. Do đó, những trường hợp chẩn đoán u lành tính vẫn phải theo dõi sức khỏe thường xuyên và tuyệt đối không được chủ quan.

 

Các trường hợp khác túi mật hình thành khối u ác tính bao gồm ung thư túi mật, ung thư tuyến u sắc tố, di căn... Mặc dù là trường hợp khá hiếm gặp, tuy nhiên nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ điều trị thành công là rất cao nhưng đa số ung thư túi mật được phát hiện muộn do không có triệu chứng đặc hiệu nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

 

 

Nguyên nhân gây u túi mật

Sự hình thành u túi mật lành tính (polyp) do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể kể đến điển hình như: chức năng gan mật kém, nồng độ đường máu, mỡ máu cao, người bệnh béo phì, thói quen ăn uống không khoa học, nhiễm virus viêm gan... Phần lớn hình thành u túi mật do nguyên nhân chủ yếu là thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều dầu mỡ làm tăng lượng đường máu, mỡ máu, khiến gan mật phải làm việc quá sức gây ra nhiều vấn đề tại đây. 

 

 

Phân loại u túi mật

Dựa trên các nguyên nhân gây bệnh, có thể phân u túi mật thành các loại sau: 

  • U túi mật thể cholesterol: Chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao nhất, khối u có đường kính dưới 10mm. Nguyên nhân hình thành u (polyp) này là do sự lắng đọng cholesterol trên thành túi mật. 
  • U túi mật thể viêm: Là các mô xơ sẹo, hình thành do các tổn thương trên bề mặt túi mật như viêm túi mật mãn tính, đường kính khối polyp thường dưới 10mm, không rộng và không gây ung thư.
  • U túi mật thể tuyến: Là dạng tổn thương tiền ung thư với kích thước khối u từ 5 - 20mm, thường liên quan tới bệnh sỏi túi mật hoặc viêm túi mật mạn tính
  • U túi mật thể phì đại cơ tuyến: Thường xuất hiện ở đáy túi mật và có khả năng phát triển thành ung thư túi mật.

 

Triệu chứng của u túi mật

Hầu hết u túi mật xuất hiện không triệu chứng, được phát hiện tình cờ qua thăm khám sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp u túi mật có kích thước lớn làm tắc nghẽn đường mật hoặc ống dẫn mật gây ra các triệu chứng như đau hạ sườn phải và căng tức, kèm theo sốt, ớn lạnh, buồn nôn, và nôn. 

 

 

Điều trị u túi mật

Phần lớn u túi mật đều là lành tính nên người bệnh có thể yên tâm sống chung hòa bình mà không cần thiết phải cắt bỏ hay điều trị đặc biệt. Tuy nhiên tùy vào tình trạng khối u túi mật sẽ có những hướng điều trị phù hợp: 

 

Theo dõi định kỳ 3 - 6 tháng: Polyp phát triển trong túi mật không gây kích ứng hoặc làm hỏng chức năng của hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nó có thể gây hại nếu chúng tăng kích thước hoặc làm gián đoạn quá trình tiêu hóa. Để quan sát kỹ hơn các polyp, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm, siêu âm định kỳ.

 

Phẫu thuật u túi mật: Phẫu thuật cắt bỏ túi mật chỉ được chỉ định trong trường hợp có xuất hiện u ác tính. Phẫu thuật giúp ngăn chặn sự di căn sang các bộ phận khác. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng cách lựa chọn cắt túi mật nội soi hoặc cắt túi mật mở. Việc cắt bỏ túi mật không làm ảnh hưởng đến chức năng hệ tiêu hóa của người bệnh. 

 

Thay đổi lối sống: Người bệnh nên có một chế độ ăn hạn chế đường, mỡ, cholesterol và bổ sung những thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau, củ, quả, trái cây giàu chất xơ, vitamin B, C, D, E và chất khoáng, kết hợp vận động tập thể dục thường xuyên góp phần làm giảm ngăn ngừa sự phát triển của u trong túi mật.

 

Người có u túi mật lành tính cần được theo dõi định kỳ 6 tháng 1 lần để nắm được tình trạng phát triển của u, có hướng xử lý kịp thời nếu u phát triển thành ác tính, đặc biệt đối với trường hợp u túi mật ở độ tuổi lớn hơn 50 tuổi. 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3