HOTLINE

ỨNG DỤNG ĐỊNH VỊ NAVIGATION VỚI CẢM BIẾN TỪ TRƯỜNG TRONG ĐIỀU TRỊ ĐỘT QUỴ XUẤT HUYẾT NÃO

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ xuất huyết não là do tăng huyết áp, các triệu chứng đột quỵ thường xuất hiện đột ngột và người bệnh cần được đưa đi cấp cứu - điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm hay thậm chí là tử vong.

 

Với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến, những kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh lý nói chung và bệnh lý đột quỵ xuất huyết não nói riêng vẫn luôn được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cập nhật và ứng dụng hàng ngày.

 

Vừa qua, người bệnh C.N (51 tuổi, quốc tịch Campuchia) đã được ThS.BS.CKII. Đỗ Anh Vũ, bác sĩ khoa Ngoại thần kinh - Cột sống điều trị dẫn lưu máu tụ do xuất huyết não tự phát thành công với sự hỗ trợ từ hệ thống định vị Navigation có cảm biến từ trường tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

Đột ngột xuất hiện triệu chứng nói đớ, yếu nửa người trái, người bệnh C.N được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn. Nhận thấy các dấu hiệu của đột quỵ, người bệnh nhanh chóng được thực hiện các xét nghiệm, chụp CT sọ não có tiêm thuốc cản quang để xác định chính xác nguyên nhân, tình trạng bệnh lý, vị trí tổn thương… Người bệnh được chẩn đoán xuất huyết nội sọ (xuất huyết não đồi thị, bao trong phải vỡ vào não thất) đi kèm bệnh lý nền tăng huyết áp vô căn. Ekip các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh - Cột sống gồm ThS.BS.CKII. Đỗ Anh VũThS.BS.Dương Đức Anh đã lựa chọn phương pháp “phẫu thuật dẫn lưu máu tụ trong nhu mô não và trong não thất với hệ thống định vị Navigation có cảm biến từ trường” và gấp rút tiến hành phẫu thuật cứu sống người bệnh.

 

“Với phương pháp này, chúng tôi chỉ cần khoan 1 lỗ sọ rất nhỏ, sau đó nhờ vào hướng dẫn định vị Navigation với cảm biến từ trường để đặt ống dẫn lưu chính xác vào khối máu tụ và não thất, từ đó có thể tiêm thuốc tiêu huyết khối và dẫn lưu máu tụ ra ngoài. Định vị Navigation với cảm biến từ trường là một trong những tiến bộ kỹ thuật mới mà chúng tôi đang áp dụng, ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp truyền thống sử dụng nguyên lý quang học. Do đặc tính của từ trường là ‘xuyên thấu’ và ‘đa hướng’ nên khắc phục được nhược điểm của quang học là dễ dàng bị gián đoạn bởi một vật thể bất kỳ trong phòng mổ, từ đó độ chính xác và thời gian thực hiện của cuộc mổ được cải thiện" BS.Vũ chia sẻ

 

Qua theo dõi và điều trị sau phẫu thuật cho người bệnh C.N, ThS.BS.Dương Đức Anh cho biết: “Người bệnh được chuyển viện từ Campuchia sang Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn với tình trạng khá nặng, do đó phải được theo dõi và chăm sóc đặc biệt sau cuộc phẫu thuật để xử lý kịp thời những biến chứng có thể xảy ra. Sau 4 ngày dẫn lưu, khối máu tụ được đưa ra gần hoàn toàn. Sau 10 ngày thì tình trạng người bệnh đã ổn định, có thể giao tiếp đơn giản và xuất viện. Trong quá trình chăm sóc tại nhà, người nhà cần chú ý cho người bệnh ăn chế độ giảm muối, kiểm soát huyết áp chặt chẽ và đưa người bệnh đi tập vật lý trị liệu tại địa phương để cải thiện sức cơ bên liệt”.

 

Người có bệnh lý tăng huyết áp cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng, lối sống phù hợp, kiểm tra huyết áp thường xuyên để đảm bảo chỉ số huyết áp trong mức an toàn, ngoài ra nên thăm khám định kỳ để có thể phát hiện các bất thường sớm nhằm bảo vệ sức khỏe, phòng tránh đột quỵ xuất huyết não.

 

An tâm hơn về chi phí với việc áp dụng bảo hiểm y tế  bảo hiểm sức khỏe (bảo hiểm tư nhân) tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3