HOTLINE

Ung thư vòm họng

Vòm họng là một ống rỗng dài khoảng 10cm với chức năng điều hợp thức ăn và luân chuyển không khí vào phổi. Thức ăn đi qua họng để vào dạ dày và nắp thanh môn sẽ đóng tạm thời khi nhai nuốt thức ăn để tránh thức ăn đi vào phổi. Họng con người có cấu tạo gồm ba phần: vòm họng, miệng họng và hạ họng. Trong đó, hạ họng nằm phía sau thanh quản và dưới miệng họng, còn miệng họng nằm ở dưới vòm họng và phía sau mũi.

 


 

Ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là một căn bệnh nguy hiểm thuộc nhóm “ung thư đầu và cổ” với các nguyên nhân và dấu hiệu khác nhau phụ thuộc giai đoạn và vị trí của khối u. Hầu hết nguồn gốc của bệnh đều từ biểu mô tế bào vảy. Theo thống kê từ Globocan Việt Nam 2020, có khoảng 3.3% trong tổng số người bệnh được chẩn đoán ung thư hàng năm tại Việt Nam mắc ung thư vòm họng. Trong đó số lượng người phát hiện ra bệnh khi ở giai đoạn tiến triển chiếm tới 70% và gây ra những khó khăn trong quá trình điều trị.

 

Nguyên nhân gây bệnh ung thư vòm họng

Có 3 nguyên nhân chính và 3 nguyên nhân phụ gây ra bệnh ung thư vòm họng.

Nhóm nguyên nhân chính bao gồm:

  • Virus HPV: Ung thư do HPV thường phát triển ở hầu họng bao gồm đáy lưỡi, thành sau họng, amidan và khẩu cái mềm. Virus u nhú ở người đã trở thành nguyên nhân phổ biến khi một số loại trong khoảng 100 loại virus lây lan khi quan hệ qua đường sinh dục hậu môn và miệng. Trong đó quan hệ bằng miệng sẽ khiến cho tỷ lệ mắc ung thư vùng họng liên quan HPV tăng cao.
  • Thuốc lá: Các loại hóa chất có trong thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà còn là nguyên nhân cho nhiều căn bệnh ung thư khác như ung thư vòm họng đối với người hút thuốc lá hoặc là người hít phải khói thuốc một cách bị động.
  • Rượu: Đây là yếu tố khiến cho ung thư vòm họng do thuốc lá trầm trọng hơn. Chỉ uống rượu hoặc chỉ hút thuốc lá không có nguy cơ gây ra ung thư vùng đầu cổ cao như vừa hút thuốc vừa uống rượu. Thuốc lá sẽ xâm nhập tế bào dễ dàng hơn khi có rượu với vai trò là chất kích thích cổ họng và miệng, rượu cũng đồng thời giới hạn khả năng loại bỏ các hóa chất độc hại ra khỏi cơ thể.

Các nguyên nhân phụ khác gây ra ung thư vòm họng gồm:

  • Dinh dưỡng: Nguy cơ ung thư vòm họng, thanh quản và hầu họng tăng cao do chế độ ăn thiếu các loại vitamin A và E.
  • Nhai trầu: Sự kết hợp giữa vôi sống, lá trầu và cau là thói quen và phong tục của người Việt nhưng chúng có nhiều mối liên hệ với nguy cơ gây ung thư.
  • Sắc tộc: Người châu Á da vàng thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều so với người da trắng.
  • Nghề nghiệp: Những người làm trong các ngành chế tác kim loại, dệt, gỗ và thực phẩm thường xuyên tiếp xúc các loại hóa chất độc hại như bụi gỗ, amiang, sơn… tăng khả năng xuất hiện khối u ác tính.
  • Virus Epstein-Barr: Ung thư mũi hầu có thể xảy ra do virus Epstein-Barr.
  • Hội chứng Plummer-Vinson: Gây khó nuốt và khiến người bệnh thiếu sắt, góp phần tăng tỷ lệ mắc ung thư cổ họng.

 


 

Dấu hiệu của bệnh

Các dấu hiệu người bệnh cần phải lưu ý về bệnh ung thư vòm họng bao gồm:

  • Đau họng, khàn giọng
  • Đau tai, ù tai
  • Đau, chảy máu miệng
  • Nuốt khó
  • Nhìn mờ, lé, nhìn đôi
  • Ho ra máu, ho kéo dài
  • Cổ có bướu/hạch


 

Các phương pháp chẩn đoán

Các phương pháp chẩn đoán ung thư sẽ được các bác sĩ chỉ định khi người bệnh tới thăm khám tại các cơ sở y tế. Một số phương pháp chẩn đoán có thể được thực hiện là:

  • Phương pháp nội soi có thể được tư vấn để tìm những điểm bất thường bên trong mũi họng và lấy mô sinh thiết.
  • Phương pháp sinh thiết để chẩn đoán mô học đầu tiên ngay khi có khối u ở cổ người bệnh. 3 phương pháp sinh thiết bao gồm: sinh thiết mở (phẫu thuật để lấy mẫu mô), sinh thiết nội soi (dùng sự hỗ trợ ống nội soi để lấy mô) và sinh thiết kim nhỏ (lấy mẫu mô sinh thiết bằng cách lấy kim nhỏ chọc vào khối u, hạch).
  • Phương pháp CT scan không chỉ hỗ trợ đánh giá khối u mà còn xác định tổn thương xâm lấn xương sụn vùng đầu cổ. Mức độ xâm lấn và lan rộng của khối u đến hạch ở cổ, các cơ quan xung quanh và tổn thương di căn có thể được khẳng định nhờ CT scan có tiêm thuốc cản quang.
  • Phương pháp cộng hưởng từ MRI có khả năng khảo sát mô mềm tốt hơn so với CT scan nhưng CT scan có thông tin xâm lấn xương tốt hơn.
  • Phương pháp PET - CT scan không khảo sát được tổn thương vi thể nhưng có thể giúp xác định hạch tại cổ. Phương pháp này cũng ưu việt hơn nhiều so với MRI và CT khi phát hiện khu vực di căn, tổn thương di căn hoặc khối u nguyên phát thứ hai.
  • Xét nghiệm EBV-DNA
  • Xét nghiệm HPV-p16


 

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị ung thư vòm họng sẽ được tư vấn tùy theo tình trạng bệnh và triệu chứng. Một số phương pháp có thể kể đến là xạ trị, hóa trị, phẫu thuật và liệu pháp trúng đích.

  • Xạ trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn tế bào phát triển bằng cách sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại tia khác. Trong đó xạ trị ngoài là dùng máy ngoài cơ thể để chiếu chùm tia về phía tổ chức ung thư, còn xạ trị trong là đặt các chất phóng xạ trực tiếp vào bên trong hoặc gần tổ chức ung thư. Phụ thuộc vào dạng và tình trạng bệnh mà kỹ thuật xạ trị trong hoặc ngoài sẽ được chỉ định.
  • Phương pháp hóa trị sử dụng thuốc tiêm hoặc viên uống để tiêu diệt hoặc ngăn sự phát triển của tế bào ung thư. Bác sĩ sẽ dựa vào giai đoạn và dạng bệnh lý trước khi đưa ra quyết định hóa trị.
  • Phẫu thuật là biện pháp cắt bỏ hạch vùng cổ hoặc khối u và mô lành xung quanh. Người bệnh có thể được điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị sau quá trình phẫu thuật.
  • Liệu pháp trúng đích là biện pháp dùng thuốc để tấn công tế bào ung thư đặc hiệu. Các kháng thể đơn dòng được sử dụng nhằm tiêu diệt và ngăn chặn tế bào ung thư phát triển. Để điều trị ung thư tái phát và di căn, kháng thể đơn dòng Cetuximab được sử dụng vì khả năng liên kết với protein bề mặt ngăn chặn sự phát triển và phân chia của tế bào ung thư.


 

Biện pháp phòng ngừa

Các biện pháp phòng ngừa có thể được thực hiện để ngăn ngừa ung thư vòm họng bao gồm:

  • Lối sống lành mạnh bao gồm tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Tránh uống rượu.
  • Không hút thuốc.
  • Đời sống tình dục lành mạnh và an toàn để tránh nguy cơ lây nhiễm HPV.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư từ sớm nếu có.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

Chuyên gia

LÊ NHẬT VINH
Ths.BS.CKII
LÊ NHẬT VINH
Phụ trách Khoa liên chuyên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt - Da Liễu
  • share1
  • zalo
  • share3