HOTLINE

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là gì?

Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn (BP: Bacterial prostatitis) là một bệnh nhiễm trùng tại tuyến tiền liệt của nam giới xảy ra ở mọi lứa tuổi.

 

Dạng viêm nhiễm này thường xuất hiện đột ngột và có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Khi viêm tuyến tiền liệt cấp tính xảy ra, nó thường liên quan đến tắc nghẽn đường tiểu của bàng quang hoặc tình trạng suy giảm miễn dịch. Tìm hiểu bệnh lý viêm tuyến liệt do vi khuẩn qua chia sẻ của BS.CKII Lê Văn Hiếu Nhân - Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - Tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn. 

 

 

Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính thường xuất phát do vi khuẩn như: 

Vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu có khả năng gây viêm tuyến tiền liệt như: Enterobacteriaceae, Escherichia coli, Proteus, Klebsiella, Enterobacter, Serratia và Pseudomonas.

Các vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục như Neisseria gonorrhoeae, Chlamydia trachomatis, Ureaplasma urealyticum. 

 

 

Bên cạnh đó các yếu tố nguy cơ cũng là nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính:       

  • Bệnh hẹp bao quy đầu, hẹp niệu đạo.
  • Trào ngược ống tuyến tiền liệt.
  • Quan hệ không sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn.
  • Phát triển nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Ống thông tiểu bên trong.
  • Sinh thiết/phẫu thuật qua niệu đạo.
  • Bất thường bẩm sinh của niệu quản.
  • Lạm dụng tình dục.

 

Dấu hiệu nhận biết viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Viêm tuyến tiền cấp tính do vi trùng thường biểu hiện các triệu chứng nhiễm trùng đột ngột, trong khi viêm tuyến tiền liệt mạn do vi trùng thường biểu hiện kín đáo hơn. 

 

Người bệnh mắc viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi trùng thường có dấu hiệu sốt, khó chịu, đau cơ, khó tiểu, tiểu nhiều lần và đau vùng chậu, viêm, sưng đột ngột, gây đau nhức, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu khó, xuất tinh buốt và có thể xuất hiện dịch đục hoặc mủ ở lỗ sáo.

 

Nếu phát hiện chậm hoặc không điều trị kịp thời viêm tuyến tiền liệt cấp tính, bệnh sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn mãn tính, đồng thời gây ra những biến chứng nguy hiểm.

 

 

Biến chứng của viêm tuyến tiền liệt cấp tính:

  • Nhiễm trùng huyết;
  • Viêm mào tinh hoàn; 
  • Áp xe tuyến tiền liệt;
  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính; 
  • Đau vùng chậu mãn tính;
  • Những thay đổi trong tinh trùng và tinh dịch có thể gây vô sinh;
  • Viêm tuyến tiền liệt cũng làm tăng nguy cơ phát triển tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và có thể là ung thư tuyến tiền liệt.

 

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn phụ thuộc phần lớn vào dấu hiệu của từng người bệnh và các biến chứng của viêm tuyến tiền liệt:

Khám tuyến tiền liệt qua trực tràng: Trong quá trình này, bác sĩ sẽ đeo găng tay và nhẹ nhàng đưa 1 ngón tay được bôi trơn vào trực tràng để cảm nhận về tuyến tiền liệt nằm phía trước. Nếu vùng này bị viêm do vi khuẩn, dấu hiệu dễ nhận biết là hiện tượng sưng, mềm, đau nhức. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng có thể xoa bóp tuyến tiền liệt để ép một lượng dịch nhỏ vào niệu đạo. Ngoài ra, dịch cũng có thể được lấy để mang đi thử nghiệm nhằm kiểm tra, xác định một số loại vi khuẩn, nấm, đơn bào… thông thường gây bệnh ở cơ quan sinh dục, tiết niệu (nhuộm, soi tươi hoặc nuôi cấy dịch này để tìm vi khuẩn gây bệnh).

 

Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để xác định vi khuẩn trong máu (nếu có sốt cao).

 

Phân tích cặn nước tiểu: Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ phát hiện máu, bạch cầu hoặc vi khuẩn trong nước tiểu.

 

Nội soi bàng quang: Bác sĩ tiến hành nội soi bàng quang để kiểm tra bên trong niệu đạo và bàng quang nhằm xác định các tổn thương cụ thể mà không thể nhìn thấy qua thăm khám bên ngoài.
 

Điều trị viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn

Điều trị bằng kháng sinh

Tùy thuộc vào từng loại vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định từng loại thuốc khác nhau. Việc lựa chọn kháng sinh phổ thích hợp có khả năng thâm nhập mô tuyến tiền liệt tốt và quản lý các biến chứng, di chứng của bệnh. Quá trình sử dụng thường kéo dài từ 4 – 6 tuần hoặc lâu hơn nếu tình trạng có dấu hiệu tái phát. 

 

Sử dụng thuốc chẹn alpha giảm nhẹ triệu chứng viêm


Sử dụng thuốc chẹn alpha vì nó có thể làm giảm tắc nghẽn đường tiểu. Terazosin thường là thuốc được lựa chọn nhưng thường phải điều trị trong nhiều tháng. 

 

Tùy theo từng triệu chứng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định phù hợp. Những trường hợp đáp ứng với kháng sinh có tiên lượng tốt, trường hợp không đáp ứng thường phải phẫu thuật để điều trị áp xe. Áp xe tuyến tiền liệt hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở những bệnh nhân có đặt ống thông tiểu. Việc thâm nhập vi khuẩn quá nhiều vào tuyến tiền liệt cũng có liên quan đến vô sinh. Các biến chứng khác bao gồm tiến triển thành viêm tuyến tiền liệt mãn tính, viêm mào tinh hoàn hoặc viêm thận bể thận. Ít nhất 10% có thể phát triển thành đau vùng chậu mãn tính.

 

 

Phòng bệnh viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Phòng tránh viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn, chủ động bảo vệ sức khỏe với những cách như:

  • Thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, đặc biệt là bộ phận sinh dục.
  • Không nên ngồi quá lâu trong nhiều giờ liền.
  • Quan hệ tình dục hợp lý, điều độ.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá...
  • Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

Chuyên gia

LÊ VĂN HIẾU NHÂN
BS.CKII
LÊ VĂN HIẾU NHÂN
Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Tiết niệu
  • share1
  • zalo
  • share3