HOTLINE

XẸP ĐỐT SỐNG DO LOÃNG XƯƠNG - NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CHẨN ĐOÁN & ĐIỀU TRỊ

Cột sống được tạo thành từ các đốt sống xếp chồng lên nhau, mỗi đốt sống có hình trụ và trong lòng là mô xương xốp. Khi bị loãng xương, mật độ mô xương bên trong lòng đốt sống giảm, dễ dẫn đến tình trạng xẹp và gãy đốt sống. Đây là một dạng gãy xương âm thầm, khó nhận biết hơn so với những dạng gãy xương khác.

 

Dưới đây là một vài triệu chứng thường gặp ở người bị xẹp đốt sống do loãng xương

  • Đau lưng thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi (cơn đau giảm khi bệnh nhân nằm ngửa).
  • Cơn đau dữ dội tại vị trí gãy xương, có thể lan xuống 2 chân từ 4 đến 6 tuần, sau đó giảm dần với những trường hợp gãy lún cấp tính.
  • Đau dai dẳng, âm ỉ với những trường hợp bị gãy xương nhiều lần.
  • Giảm chiều cao: Mất chiều cao của đốt sống bị gãy do loãng xương có thể ở mức độ nhẹ (20-25%), trung bình (25-40%) hoặc nặng (> 40%).
  • Giảm khả năng chịu đựng khi tập thể dục và giảm không gian bụng dẫn đến cảm giác no sớmsụt cân.
  • Biến dạng cột sống và gây tàn tật.

 

Những ai có nguy cơ xẹp đốt sống do loãng xương?

Ước tính ở Việt Nam hiện có hơn 2,8 triệu người bị loãng xương, trong đó phụ nữ chiếm đến 76% và hàng năm có trên 170.000 trường hợp gãy xương do loãng xương. Hiện nay, số phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi bị gãy xẹp đốt sống chiếm hơn 23%.

Như vậy, các yếu tố nguy cơ xẹp đốt sống do loãng xương bao gồm:

  • Giới tính: Nữ giới gặp nhiều hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh.
  • Tuổi tác: Người càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc loãng xương càng cao, kéo theo nguy cơ xẹp đốt sống do loãng xương cũng tăng theo, đặc biệt là những người trên 50 tuổi.
  • Dinh dưỡng: Người còi xương, suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Người hút thuốc lá: Thuốc lá làm mất độ dày của xương, khiến xương yếu đi.

 

Chẩn đoán xẹp đốt sống do loãng xương như thế nào?

Qua thăm khám lâm sàng, nếu nghi ngờ xẹp đốt sống do loãng xương, các bác sĩ Ngoại thần kinh - Cột sống có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các chỉ định cận lâm sàng để kiểm tra, bao gồm:

  • Đo loãng xương: Hệ thống máy đo loãng xương Osonglife tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn sẽ giúp các bác sĩ xác nhận chẩn đoán tình trạng loãng xương, tỷ lệ mất xương và dự đoán khả năng gãy xương trong tương lai của người bệnh.
  • Chụp X-Quang: Người bệnh được chẩn đoán xẹp đốt sống khi có sự giảm chiều cao của thân đốt sống vượt quá 20%.
  • Chụp vi tính cắt lớp (CT Scan): Đánh giá hình ảnh đốt sống chi tiết như mức độ lún, xẹp, mảnh rời, nguy cơ rò rỉ xi măng vào ống sống nếu được bơm xi măng…
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Cho phép đánh giá tuỷ xương, tủy sống, rễ thần kinh và các vùng xung quanh cột sống.

Các phương pháp điều trị xẹp đốt sống do loãng xương

Đối với các trường hợp xẹp đốt sống nhẹ, ít tổn thương: Người bệnh được điều trị bảo tồn với thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc giãn cơ, thuốc chống loãng xương, thuốc ức chế hủy cốt bào…

 

Với những trường hợp điều trị bảo tồn không đáp ứng, các bác sĩ Ngoại thần kinh - Cột sống có thể lựa chọn phương pháp tạo hình thân đốt sống bằng hình thức bơm xi măng qua da nhằm mục đích đảm bảo độ vững chắc cho đốt sống và làm giảm đau cho người bệnh.

 

Ở những trường hợp nặng hơn, khi người bệnh đã có biến chứng gù vẹo cột sống hoặc chèn ép tủy sống, rễ thần kinh: Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật bắt vít điều trị loãng xương - chỉnh hình lại cột sống.

 

Có thể phòng ngừa xẹp đốt sống do loãng xương không?

Để phòng ngừa cũng như phát hiện kịp thời tình trạng xẹp đốt sống, chúng ta cần lưu ý:

  • Đối với người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh cần phải có chế độ sinh hoạt điều độ về dinh dưỡng và tập luyện. 
  • Nên bổ sung các khoáng chất giàu vitamin D3, canxi và vitamin khác, cùng với ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe.
  • Đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện loãng xương và điều trị kịp thời.
  • Thay đổi lối sống và sinh hoạt: Hạn chế rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích…

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3