HOTLINE

XOẮN KHUẨN LEPTOSPIRA VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Những ngày gần đây, việc người đàn ông T. bị suy gan, suy thận sau khi đi tắm suối về xuất hiện khắp các mặt báo. Được biết trước đó, anh T. hoàn toàn khỏe mạnh, không có các bệnh lý nền, sau khi đi tắm suối về, anh xuất hiện triệu chứng sốt, chóng mặt, da nổi mẩn ngứa toàn thân, quanh miệng có các vết loét, ngực đau âm ỉ và được người nhà đưa đi khám tại một bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ đã chỉ định thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán anh T. bị nhiễm xoắn khuẩn Leptospira.

 

Vậy xoắn khuẩn Leptospira là gì? Mức độ nguy hiểm của xoắn khuẩn Leptospira gây ra đối với cơ thể như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài chia sẻ của BS. Hà Tấn Lộc - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

1. Xoắn khuẩn Leptospira là gì?

 

Leptospira là một loại xoắn khuẩn nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người. Ở giai đoạn đầu bị nhiễm xoắn khuẩn, người bệnh có biểu hiện sốt, đau cơ, mệt mỏi, ho. Từ ngày thứ 6 - 12 trở đi, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể, cụ thể sẽ gây suy gan, suy thận, viêm mạch máu.

 

2. Xoắn khuẩn Leptospira tồn tại và lây truyền như thế nào?

 

Xoắn khuẩn Leptospira thường tồn tại trong ống thận của động vật hoang dã, gia súc và vật nuôi. Những động vật mang xoắn khuẩn Leptospira không có các biểu hiện lâm sàng và xoắn khuẩn này sẽ tồn tại trong thời gian dài, thậm chí tồn tại suốt đời trong cơ thể động vật.

 

Động vật nhiễm Leptospira sẽ thải vi khuẩn ra môi trường bên ngoài thông qua nước tiểu. Vi khuẩn này tồn tại trong đất một thời gian dài và lây nhiễm cho các động vật khác tạo thành một chu trình khép kín của ổ dịch thiên nhiên.

 

Thông thường, xoắn khuẩn Leptospira lây truyền từ động vật sang người thông qua các trường hợp sau:

  • Lây qua da, đặc biệt da có vết trầy xước tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước hoặc đất đã nhiễm khuẩn. Thường gặp ở những người chăn nuôi gia súc trong điều kiện vệ sinh chuồng trại kém, nông dân làm việc ở những cánh đồng trũng, công nhân vệ sinh cống rãnh… 

  • Lây qua đường tiêu hóa: Khi người bệnh ăn thực phẩm chưa chín hoặc uống phải nguồn nước có nhiễm xoắn khuẩn.

 

Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp lây truyền từ người sang người nhưng rất hiếm gặp.

 

 

3. Mức độ nguy hiểm của xoắn khuẩn Leptospira đối với cơ thể

 

Người nhiễm xoắn khuẩn Leptospira nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng tại các cơ quan của cơ thể:

  • Thận: xoắn khuẩn Leptospira xâm nhập vào xoang kẽ, ống thận gây viêm xoang kẽ và làm hoại tử ống thận, suy thận do thiếu nước hoặc tăng thấm thành mạch, giảm thể tích tuần hoàn

  • Gan: xoắn khuẩn Leptospira xâm nhập vào gan làm hoại tử trung tâm tiểu thủy, suy gan, gây ra chứng vàng da

  • Ở trường hợp nặng hơn, xoắn khuẩn sẽ làm viêm mạch, đặc biệt là mao mạch, gây tăng rối loạn tuần hoàn dẫn đến thoát dịch, giảm thể tích tuần hoàn, hậu quả là sốc và trụy mạch.

 

4. Làm thế nào để phòng ngừa nhiễm xoắn khuẩn Leptospira?

  • Quản lý vật nuôi, tránh thải nước tiểu, phân trực tiếp ra cống, ao hồ gây ô nhiễm môi trường nước.

  • Vệ sinh chuồng trại thường xuyên

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho súc vật và giám sát bệnh ở vật nuôi.

  • Diệt chuột.

  • Sử dụng bảo hộ lao động đối với người có nguy cơ cao như đeo găng, đi ủng, đeo kính bơi...

  • Không tắm ở ao hồ.

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh Leptospira. Phần lớn người được tiêm đủ vắc-xin có miễn dịch tốt trong 3 năm.

  • Có thể dự phòng bằng thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định cho những người nghi ngờ nhiễm bệnh khi có dịch.

 

An tâm hơn về chi phí với việc áp dụng bảo hiểm y tế và bảo hiểm sức khỏe (bảo hiểm tư nhântại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3