Sỏi niệu quản chiếm đến 28% tỷ lệ sỏi đường tiết niệu và gây nhiều biến chứng nguy hiểm làm cho người bệnh phải nhập viện cấp cứu.
Sỏi tiết niệu và những điều cần biết sẽ được BS.CKII. Lê Văn Hiếu Nhân - chuyên khoa Thận - Tiết niệu - Nam khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn chia sẻ qua bài viết sau.
Sỏi niệu quản là gì?
Sỏi niệu quản là một khối hoặc tinh thể rắn có hình dạng bất định bị mắc kẹt trong niệu quản. Sỏi niệu quản có thể xuất hiện ở niệu quản trái hoặc niệu quản phải hoặc cả 2 bên. Các viên sỏi có thể ở đầu gần (chỗ niệu quản nối với bể thận) hoặc đầu xa (chỗ niệu quản nối với bàng quang) của niệu quản.
Sỏi niệu quản thường nhỏ li ti. Một số quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng theo dòng nước tiểu và được tiểu ra ngoài một cách tự nhiên mà không gây ra bất kỳ vấn đề nào. Nếu một viên sỏi niệu quản đủ lớn, nó có thể chặn dòng chảy của nước tiểu từ thận đến bàng quang, sự tắc nghẽn này có thể gây ra cơn đau dữ dội.
Các loại sỏi niệu quản:
Có bốn loại sỏi niệu quản chính, bao gồm:
- Sỏi canxi. Sỏi canxi là loại sỏi niệu quản phổ biến. Các loại sỏi canxi bao gồm sỏi canxi oxalat và sỏi canxi photphat.
- Sỏi axit uric. Sỏi axit uric hình thành khi có quá nhiều axit uric trong nước tiểu.
- Sỏi struvite. Đôi khi, sỏi struvite hình thành sau khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI: Urinary Tract Infection). Magie amoni photphat (struvite) và canxi cacbon-apatit là những thành phần chính của sỏi struvite.
- Sỏi cystin. Rối loạn di truyền cystin niệu gây ra sỏi cystin. Cystin niệu khiến axit amin cystine thoát ra khỏi thận vào nước tiểu.
Các triệu chứng của sỏi niệu quản là gì?
Sỏi niệu quản nhỏ, chúng có thể theo dòng nước tiểu đi ra ngoài mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Khi sỏi làm tắc nghẽn niệu quản hoặc bất kỳ ống thoát nước nào của thận có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:
- Cơn đau dữ dội không liên tục ở hạ sườn trên (ở lưng, dưới xương sườn dưới).
- Đau lan đến bụng dưới.
- Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Tiểu ra máu hoặc đổi màu (nâu, hồng hoặc đỏ).
- Thúc giục đi tiểu thường xuyên và chỉ đi tiểu một lượng nhỏ nước tiểu.
Nguyên nhân gây ra sỏi niệu quản?
Các chất tạo nên sỏi niệu quản thường đi qua hệ thống tiết niệu mà không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi có quá nhiều chất tạo sỏi trong nước tiểu và cơ thể không có đủ nước tiểu để hòa tan hoặc thải các chất ra ngoài, thường là do không uống đủ nước. Sau đó các chất bắt đầu kết tinh và hình thành sỏi niệu quản.
Diễn tiến của sỏi niệu quản:
Khi sỏi niệu quản bị vướng lại ở một vị trí nào đó trên đường tiết niệu thì viên sỏi sẽ lớn lên theo thời gian, cản trở sự lưu thông của nước tiểu, dẫn đến ứ đọng, căng chướng trên dòng và sẽ gây các biến chứng như: Niệu quản bị hẹp ngay vị trí sỏi; thận ứ nước nhiễm trùng; phát sinh nhiều viên sỏi khác; phá hủy và suy thận.
Làm thế nào để loại bỏ sỏi niệu quản?
Việc lấy sỏi niệu quản ra ngoài phụ thuộc vào kích thước, vị trí và loại sỏi. Kích thước và vị trí của viên sỏi sẽ giúp bác sĩ tiên đoán liệu sỏi niệu quản có thể được tống xuất ra ngoài một cách tự nhiên hay không.
Nếu sỏi niệu quản lớn hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu, bác sĩ tiết niệu có thể đề nghị những những phương pháp sau:
- Tán sỏi bằng sóng xung kích (Shock wave lithotripsy). Thủ thuật này sử dụng sóng xung kích năng lượng cao (âm thanh) để phá vỡ sỏi trong niệu quản. Các mảnh sỏi nhỏ hơn sẽ di chuyển qua đường tiết niệu dễ dàng hơn khi bạn đi tiểu. Tán sỏi bằng sóng xung kích là lựa chọn điều trị ít xâm lấn nhưng có thể không phù hợp với tất cả mọi người.
- Nội soi niệu quản. Bác sĩ tiết niệu sẽ chèn một ống dài, mỏng có camera (ureteroscopy: ống soi niệu quản) vào niệu đạo của bạn rồi vào bàng quang và vào niệu quản. Khi tìm thấy viên sỏi niệu quản, bác sĩ sẽ loại bỏ nó hoặc phá vỡ nó bằng tia laser.
- Lấy sỏi thận qua da. Trong quá trình phẫu thuật lấy sỏi thận qua da, bác sĩ tiết niệu sẽ đưa một ống soi trực tiếp vào thận của bạn thông qua một vết cắt nhỏ ở lưng để tìm và loại bỏ sỏi. Bác sĩ tiết niệu sẽ chỉ đề nghị thủ thuật này nếu sỏi lớn hoặc có hình dạng bất thường.
- Stent niệu quản. Stent niệu quản là những ống mỏng, mềm, tạm thời để giữ niệu quản của bạn dãn ra. Chúng cho phép nước tiểu chảy ra xung quanh một viên sỏi niệu quản đang chặn dòng chảy của nước tiểu.
- Liệu pháp tống xuất sỏi nội khoa (MET: Medical expulsive therapy) có hiệu quả trong việc điều trị sỏi niệu quản nhỏ đoạn xa. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm thuốc chẹn alpha, thuốc chẹn kênh canxi, corticosteroid và chất ức chế phosphodiesterase-5 (PDE5).
Có thể ngăn ngừa sỏi niệu quản bằng cách nào?
Có nhiều cách để ngăn ngừa sỏi niệu quản:
- Uống nhiều nước hơn. Bạn nên uống tối thiểu 2 lít đến 3 lít chất lỏng mỗi ngày. Tốt hơn hết là uống nước lọc, ngoài ra nước chanh hoặc nước cam cũng là những lựa chọn tốt.
- Hạn chế lượng protein động vật trong chế độ ăn uống. Protein động vật - bao gồm thịt, trứng và cá - làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. Đậu lăng, đậu xanh, đậu phụ và đậu hũ là những nguồn protein tốt sẽ không làm tăng lượng axit uric.
- Hạn chế lượng natri (muối) trong chế độ ăn uống. Tiêu thụ ít hơn 1.500 mg muối mỗi ngày giúp giảm nguy cơ phát triển sỏi niệu quản. Bạn có thể thay thế muối trong chế độ ăn uống của mình bằng các chất thay thế muối, thảo mộc, gia vị, nước chanh hoặc giấm có hương vị.
- Hạn chế lượng oxalate trong chế độ ăn uống. Oxalate là một chất dinh dưỡng được tìm thấy trong rau bina, hạnh nhân, hạt điều và khoai tây. Thực phẩm và đồ uống có nhiều canxi có thể giúp ngăn oxalat kết tinh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn